Phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Hoài Linh (SN 1985, quê tỉnh Vĩnh Long) vừa diễn ra vào giữa tháng 7. Phiên tòa hôm ấy chỉ có 8 người đến tham dự, họ là người thân của bị cáo, bị hại và đều quen nhau vì 2 gia đình vốn là thông gia.
|
|
Bị cáo Linh bị dẫn giải về trại giam. |
Hàng ghế phía bên trái của phòng xử chỉ có đôi vợ chồng đã ngoài 50 tuổi đang ngồi. Họ là ông Nguyễn Văn H. và bà Nguyễn Thị L., là bố mẹ đẻ của nạn nhân, và cũng là bố mẹ vợ của kẻ đang đứng trước bục khai báo. Ông, bà đến tòa với tư cách là đại diện bị hại, con gái của ông, bà đã bị con rể đâm chết.
Phía đối diện, 6 người thân của bị cáo cũng đang ngồi. Để có mặt tại phiên tòa hôm nay, họ phải dậy thật sớm, đón chuyến xe từ Vĩnh Long lên TP HCM cho kịp giờ. Mới chỉ gần một năm trước, họ vẫn là thông gia với gia đình bị hại. Nhưng hôm nay, họ phải ngồi ở tòa, cùng lo lắng cho số phận của Linh.
Hai gia đình thông gia ra tòa, họ không một chút thù hận nhau, trái lại, họ thông cảm cho nhau. Bà L. nói rằng: “Tôi đến tòa lần này không phải để buộc tội Linh, để mong kẻ giết con mình phải nhận bản án nghiêm khắc nhất. Tôi đến tòa để tha thứ cho Linh, để xin pháp luật khoan hồng, tuyên cho Linh một bản án nhẹ nhất”.
Nguyễn Hoài Linh và chị Nguyễn Thị Thùy Tr. (cùng quê tỉnh Trà Vinh) tổ chức đám cưới nhưng chưa đăng ký kết hôn. Vì cuộc sống ở quê nhà quá vất vả lại không có thu nhập nên hai vợ chồng lên TP HCM kiếm việc làm. Lúc đầu, vợ chồng Linh xin làm phụ quán. Sau đó Linh chuyển sang đi phụ hồ.
Cuộc sống bắt đầu có sóng gió từ khi Linh phát hiện điện thoại của Tr. có tin nhắn yêu đương với người con trai khác. Nghĩ Tr. ngoại tình, Linh đã về quê gặp mẹ Tr. nhờ bà khuyên răn con nhằm níu kéo cuộc sống gia đình.
Thế nhưng, khi lên Sài Gòn gặp lại, chị Tr. vẫn quyết định sẽ chia tay Linh. Chị gọi điện thoại gặp Linh và nói "đừng làm phiền em nữa".
Khi trở về phòng trọ của chị Tr., Linh thấy quần áo của một người đàn ông khác treo trước nhà nên cảm thấy ghen tức. Linh lấy một con dao kẹp vào lưng quần phía trước bụng rồi gọi chị Tr. ra nói chuyện.
Hai người tiếp tục cãi nhau. Chị Tr. nói: "Anh không lo được cho em thì để người khác lo". Nói xong câu đó, chị bỏ đi. Linh đuổi theo, rút dao đâm một nhát khiến chị Tr. ngã gục xuống đất khiến chị Tr. tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện.
Theo bà L., Linh vốn là một người hiền lành, trong cư xử hằng ngày cũng lễ phép, biết nhường trên kính dưới. Bà có hai người con, một trai và một gái. Ngày con gái đến tuổi lập gia đình thì phải lòng Linh, hai đứa cưới nhau trong sự vui mừng của vợ chồng bà và người thân của Linh.
Bà L. nói: “Linh còn yêu con gái tôi lắm. Vì yêu nên khi nghi ngờ con gái tôi có người khác Linh đã về quê nhờ tôi khuyên răn, mong con gái tiếp tục gắn kết với Linh. Nhưng khi mong muốn ấy của Linh chưa thực hiện được thì sự việc đau lòng xảy ra”.
Đáp lại tình thương của mẹ vợ, Linh cũng thừa nhận mọi tội lỗi của mình. Theo lời Linh, bị cáo đi làm phụ hồ mỗi ngày được 300 ngàn đồng. Cứ cuối tuần bị cáo lại đưa cho vợ 1,5 triệu đồng. Chị Tr. cũng đi làm nên không khó khăn thiếu thốn. Vì vậy, bị cáo không biết tại sao chị Tr. lại có người khác.
“Bản thân bị cáo rất yêu thương vợ, bị cáo làm đủ mọi công việc để cô ấy có cuộc sống tốt hơn. Khi bị cáo biết cô ấy có người khác thì rất lo sợ. Bị cáo lo mất đi người mình yêu, chỉ vì phút nông nổi không làm chủ được bản thân nên bị cáo đã tước đi mạng sống người mà bị cáo yêu thương”, Linh khai nhận.
Ngắt lời bị cáo, đại diện viện kiểm sát nhận định chị Tr. không muốn chung sống với bị cáo là quyền của chị. Ai cũng được tự nguyện kết hôn và tự nguyện ly hôn. Nếu chị Tr. không muốn sống với bị cáo thì không ai được quyền tước đi mạng sống của chị ấy cả.
Nghe Linh ăn năn, bà L. ngồi bên dưới lấy khăn chấm hai dòng nước mắt đang lăn vội trên gò má. Mẹ ruột Linh cũng khóc. Bà khóc bởi cậu con trai một tay bà nuôi nấng đang phải đối diện với bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Lau vội những giọt nước mắt trên mặt, bà L. phát biểu ý kiến: “Mất đi đứa con tôi cũng đau lắm. Tôi thương thằng Linh như con, nay nó vào vòng tù tội, bố mẹ nó cũng khổ tâm. Thằng Linh còn ít tuổi, suy nghĩ chưa được chín chắn. Mong tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho thằng Linh có cơ hội được sớm trở về làm lại cuộc đời”.
Mẹ đẻ bị cáo Linh cho biết: “Linh vốn rất hiền lành. Sau khi từ quê lên TP HCM làm việc, Linh không nhậu nhẹt, không hút thuốc, chỉ lo tu chí làm ăn. Vậy mà…”. Rồi bà bỏ dở câu nói, ngồi khóc nức nở.
Sau khi nghị án, HĐXX đã cho rằng, hành vi của Linh là nguy hiểm cho xã hội, cần tuyên mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, bản thân bị cáo có nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, gia đình bị hại có đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Sau khi cân nhắc, HĐXX quyết định tuyên phạt Linh mức án 18 năm tù về tội giết người.
Nghe tòa tuyên mức án dành cho Linh, bà L. đứng thẫn thờ, còn người nhà của Linh đã bật khóc.
Không một chút thù hận, trách móc, bà L. đến bên mẹ của Linh, để an ủi, động viên. Họ dìu nhau cùng rời khỏi phòng xử án, lòng nặng trĩu những nỗi lo...