Mới đây, VKSND tỉnh Đắk Nông và TAND cùng cấp đã phối hợp tổ chức, xét xử vụ án hình sự rút kinh nghiệm đối với bị cáo Lê Văn Trung (SN 1980) và Nguyễn Thị Thơm (SN 1982 vợ Trung) cùng trú thôn 3 xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự.

leftcenterrightdel
Phiên tòa xét xử vợ chồng bị cáo Lê Văn Trung và Nguyễn Thị Thơm phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ảnh VKS.

Để đảm bảo quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19, TAND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn, bố trí khu vực giãn cách, ngồi đúng khoảng cách đảm bảo an toàn theo quy định.

Theo nội dung vụ án, tháng 10/2015, Trung và Thơm thế chấp 2 giấy CNQSDĐ tại thôn Tân Tiến (xã Quảng Khê, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) để vay Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chi nhánh tỉnh Đắk Nông số tiền 350 triệu đồng.

Đến tháng 6/2016, vợ chồng Trung đưa ra thông tin rằng đất này chưa được cấp giấy CNQSDĐ, nhưng đã làm thủ tục, đến cuối năm 2016 sẽ được cấp giấy CNQSDĐ, với mục đích để bán cho anh Nguyễn Văn Dũng với giá 870 triệu đồng.

Sau khi nhận tiền từ anh Dũng, Trung và Thơm đã sử dụng vào mục đích cá nhân, không trả tiền cho ngân hàng để lấy giấy CNQSDĐ và làm thủ tục sang tên cho anh Dũng. Không chỉ vậy, vợ chồng Trung còn tiếp tục đáo hạn và thế chấp 2 giấy CNQSDĐ này để vay tiền.

Đến hạn trả nợ, ngân hàng thông báo thu hồi tài sản thế chấp. Lúc này, anh Dũng đến tìm vợ chồng Trung yêu cầu giải quyết nhưng cả hai đã bỏ đi khỏi nơi cư trú đến tỉnh Lào Cai, Hải Phòng sinh sống. Do đó, anh Dũng đã tố giác đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngày 23/3/2021, Trung, Thơm bị bắt theo lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông.

Tại phiên tòa, các bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và xin HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Sau khi đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, căn cứ vào đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trung 8 năm 6 tháng tù, bị cáo Thơm 7 năm 6 tháng tù.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã chú trọng nghiên cứu hồ sơ vụ án và lập hồ sơ kiểm sát giải quyết án hình sự theo quy định; chuẩn bị tốt bản dự thảo quan điểm của Viện kiểm sát, đề cương xét hỏi và dự kiến những tình huống phát sinh tại phiên tòa. Đồng thời, Kiểm sát viên chủ động trong việc xét hỏi, lập luận, đối đáp lại ý kiến của những người tham gia tố tụng, tranh luận vào từng nội dung cụ thể, đảm bảo căn cứ và có tính thuyết phục./.

Nguyễn Chính