Khoảng đầu năm 2015, Nguyễn Thị Mai Loan nói với Hoàng Thu Hạnh và Quế là Loan có mối quan hệ rộng, có thể xin được việc làm, xin chuyển vùng công tác, chạy thi đỗ công chức, chạy phúc khảo điểm thi công chức cho những người có nhu cầu xin vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận.
Loan bảo Hạnh, Quế tìm người có nhu cầu thì nhận hồ sơ và thu tiền. Mỗi trường hợp, sau khi nhận được tiền, Loan sẽ chi tiền công cho Hạnh, Quế tùy theo từng ngành hoặc Loan báo số tiền Loan thu, hoặc Hạnh, Quế tự đẩy mức thu lên để hưởng chênh lệch. Nghe Loan nói vậy, Hạnh, Quế đã nói lại với nhiều người và thu tiền, hồ sơ nộp cho Loan. Trong đó, Hạnh nói với Nguyễn Xuân Thơm, Hà Thị Đoan Trang (trú tại phường Tân Hà); Mai Thanh Hương (trú tại phường Minh Xuân); Nguyễn Sơn Tùng (trú tại phường Tân Quang); Nguyễn Thị Tuyết Nga (phường Ỷ La, cùng TP Tuyên Quang).
|
|
Nguyễn Thị Mai Loan và Hoàng Thu Hạnh. |
Ngoài những người ở ngay TP Tuyên Quang, Hạnh còn nói với Trần Văn Thêm, trú tại xã Tân Long; Hứa Thị Hải Yến, trú tại xã Trung Môn; Nguyễn Văn Liêng, trú tại xã Lang Quán, cùng huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và nhiều người khác là Hạnh có người quen, có thể xin được việc làm hoặc chạy thi đỗ công chức, phúc khảo điểm thi đỗ công chức cho những người có nhu cầu xin vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang, số tiền chi phí để xin việc làm, xin chuyển công tác từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng tùy vào từng vị trí và cơ quan muốn xin vào làm việc; số tiền chạy thi đỗ công chức, phúc khảo điểm thi đỗ công chức từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Hạnh hứa sẽ chi trả tiền công cho mỗi trường hợp Hạnh nhận tiền, hồ sơ từ 5.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Tin vào lời nói của Hạnh, Thơm, Trang, Hương, Tùng, Nga, Thêm, Liêng và Yến đã dẫn nhiều người đến nộp hồ sơ, tiền cho Hạnh để được nhận tiền công hoặc hưởng số tiền chênh lệch. Sau khi nhận tiền, hồ sơ, Hạnh đã chuyển lại cho Loan và giữ lại một phần để chi tiêu cá nhân. Ngoài việc chuyển tiền, hồ sơ cho Loan, Hạnh còn chuyển tiền, hồ sơ cho Trần Hoài Nam, trú tại số nhà 3, đường Nguyễn Thái Học, phường Minh Khai, TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang để xin việc làm cho những người có nhu cầu xin vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước thuộc tỉnh Hà Giang.
Sau khi trực tiếp nhận tiền, hồ sơ của các bị hại và của các đối tượng trung gian, Nguyễn Thị Mai Loan đã chuyển một phần cho Trần Thị Hoài Thu (trú tại thôn Mai Viên, xã Song Mai, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) để xin cho 5 trường hợp vào học tại Trường văn hóa I – Bộ Công an, số còn lại Loan giữ lại chi tiêu cá nhân hết.
Sau khi sự việc trên được phát giác, được sự phân công của tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Tuyên Quang - Nguyễn Xuân Hùng (hiện là Viện trưởng VKSND tỉnh) đã ngay lập tức chỉ đạo, họp bàn với tập thể cán bộ, Kiểm sát viên Phòng Thực hành quyền công tố, KSĐT, KSXX sơ thẩm án kinh tế và chức vụ của VKSND tỉnh lên phương án, phân công cán bộ, Kiểm sát viên chủ động phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tuyên Quang phân loại rà soát, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tập trung phối hợp giải quyết vụ án.
|
|
Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà và Nguyễn Tiến Đường tiến hành phân tích đánh giá hồ sơ vụ án. |
Xác định đây là một vụ án lớn, có đông đối tượng tham gia cùng số bị hại nhiều, Kiểm sát viên Nguyễn Tiến Đường và Kiểm sát viên Đào Thị Hồng Hà đã chủ động đề xuất, tham mưu với lãnh đạo VKSND tỉnh các kế hoạch đấu tranh thông qua việc tiến hành trực tiếp hỏi cung từng bị can nhằm làm sáng tỏ vai trò của từng đối tượng trong vụ án. Với quyết tâm không để lọt tội phạm, không để oan người phạm tội, căn cứ vào kết quả và chứng cứ phạm tội thu thập được trong quá trình điều tra, đã làm rõ:
Trong khoảng thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017, đối tượng cầm đầu đường dây Nguyễn Thị Mai Loan đã nhiều lần nhận của Nguyễn Xuân Thơm 8 bộ hồ sơ và 1.480.000.000 đồng, đây là số hồ sơ, tiền do Thơm thu của các bị hại và Trần Văn Thêm để xin việc làm, xin chuyển công tác, chạy thi đỗ công chức, phúc khảo đỗ công chức của 8 người. Sau khi nhận hồ sơ, tiền của những người có nhu cầu, Loan không lo được việc cho ai mà chi tiêu cá nhân hết, chưa trả lại cho Thơm 1.480.000.000 đồng đã nhận. Trước khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, Thơm và Thêm đã trả lại cho 3 bị hại 335.000.000 đồng, số tiền hai đối tượng chưa trả được cho các bị hại là 1.145.000.000 đồng.
Hành vi nhận tiền, hồ sơ của Nguyễn Thị Mai Loan thông qua Nguyễn Văn Quế: Trong khoảng thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 7/2017, Loan đã nhiều lần nhận của Quế tổng số tiền 2.315.000.000 đồng. Trong đó, Quế chuyển tiền của 7 bị hại là 1.725.000.000 đồng và tự bỏ tiền của mình ra để chuyển cho Loan 590.000.000 đồng để xin việc làm, xin chuyển công tác, chạy thi đỗ công chức, phúc khảo đỗ công chức cho 4 người. Sau khi nhận tiền của Quế, Loan không lo được việc cho ai, cũng chưa trả lại cho Quế 2.315.000.000 đồng. Trước khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án, Quế đã trả lại 540.000.000 đồng cho các bị hại.
Là người đầu tiên được Loan mời tham gia vào đường dây lừa đảo, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2015 đến năm 2017, Hoàng Thu Hạnh đã đưa cho Loan 5.895.000.000 đồng, đây là số tiền Hạnh nhận của các bị hại và các đối tượng trung gian để xin việc làm, xin đi học, chạy thi đỗ công chức, phúc khảo đỗ công chức…. cho 55 người. Sau khi nhận tiền của Hạnh, Loan không lo được việc cho ai, trước khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, Loan nộp tiền học phí và trả tiền hỗ trợ học việc cho 7 người với tổng số tiền là 30.666.464 đồng và trả lại cho Hạnh 1.424.950.000 đồng. Số tiền Loan chưa trả lại cho Hạnh là 4.439.383.536 đồng. Trước khi Cơ quan CSĐT khởi tố vụ án, Hạnh đã trả lại cho các bị hại 779.800.000 đồng, số tiền Hạnh chưa trả cho các bị hại là 3.659.583.536 đồng.
Ngoài việc nhận tiền gián tiếp của bị hại thông qua các đối tượng chủ chốt trong đường dây lừa đảo, Nguyễn Thị Mai Loan còn nhận trực tiếp của các nạn nhân bằng các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi với số tiền lên tới nhiều tỉ đồng. Nội dung này sẽ được Báo Bảo vệ pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc trong số báo tới.