Theo nội dung vụ án, năm 2009, Phan Duy Thắng cùng các ông Nguyễn Tất Kiên, Đinh Cường cùng nhau đầu tư chung dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng tại xóm Ngọc Lâm và Cao Răm (cũ) huyện Lương Sơn.

Để đảm bảo dự án được cấp phép theo quy định, Phan Duy Thắng và các cổ đông đã thống nhất thành lập Công ty cổ phần dịch vụ Ngọc Lâm và giao cho Thắng làm Giám đốc. Sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý, Công ty cổ phần Ngọc Lâm được cấp phép hoạt động với vốn điều lệ là 4,8 tỉ đồng.

Cổ đông sáng lập gồm có Phan Duy Thắng và ông Nguyễn Tất Kiên cùng có 192 nghìn cổ phần (giá trị là 10 nghìn đồng/cổ phần), tương đương với số tiền 1,92 tỉ đồng, bằng 80% tỷ lệ góp vốn; ông Đinh Cường có 92 nghìn cổ phần, tương đương với 860 triệu đồng, bằng 20% tỷ lệ góp vốn. Tuy nhiên, khi Công ty đi vào hoạt động, các ông Nguyễn Tất Kiên và Đinh Cường không nộp tiền mua cổ phần như thỏa thuận và cũng không góp vốn, tài sản vào công ty.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Phan Duy Thắng tại phiên toà xét xử phúc thẩm.

Sau khi thành lập Công ty, Phan Duy Thắng đã dùng số tiền 2 tỉ đồng (tiền mua cổ phần) của mình để mua đất, đầu tư cơ sở hạ tầng; đầu tư chăn nuôi tại xóm Sáng xã Cao Răm, ngoài ra không có hoạt động kinh doanh, đầu tư khác. Tháng 7/2009, ông Đinh Cường và ông Nguyễn Tất Kiên xin rút khỏi danh sách cổ đông Công ty.

Đến năm 2012, thông qua các mối quan hệ xã hội, Phan Duy Thắng đã gặp và mời ông Đào Xuân Vũ, Phạm Thanh Hải và bà Hồ Thủy tham gia góp vốn vào Công ty. Để đưa ông Đào Xuân Vũ, Phạm Thanh Hải và bà Hồ Thủy trở thành cổ đông mới của Công ty, Phan Duy Thắng đã làm giả các tài liệu với chữ ký giả của ông Nguyễn Tất Kiên và ông Đinh Cường. Đồng thời, sử dụng tài liệu giả này để thiết lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh thay đổi tư cách cổ đông của ông Kiên và ông Cường.

Tiếp đó, đến năm 2018, mặc dù không được sự đồng ý của ông Nguyễn Thanh Hải và bà Hồ Thủy nhưng vẫn với thủ đoạn trên, Phan Duy Thắng đã tự làm biên bản cuộc họp Hội đồng cổ đông, làm giả giấy xác nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của các ông: Đào Xuân Vũ, Phạm Thanh Hải và bà Hồ Thủy cho Phan Duy Thắng, Nguyễn Xuân Long và Nguyễn Thành Tân. Đồng thời, Thắng cũng đã sử dụng các loại giấy tờ giả nói trên để hoàn thiện hồ sơ gửi Sở KH&ĐT tỉnh đề nghị đăng ký thay đổi tư cách pháp nhân cổ đông của những người trên.

Hành vi của Phan Xuân Thắng sau đó đã bị phát giác. Việc làm này đã xâm hại đến trật tự quản lý hành chính Nhà nước về tài liệu; xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông góp vốn vào Công ty do Thắng làm giám đốc.

Hành vi của Phan Xuân Thắng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Làm giả tài liệu của tổ chức, tội sử dụng tài liệu giả của tổ chức” theo quy định tại điểm b, c, khoản 2 Điều 341 BLHS. Với hành vi phạm tội nêu trên, tại phiên tòa sơ thẩm, Phan Xuân Thắng đã bị TAND huyện Lương Sơn tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Sau khi kêt thúc phiên tòa, không đồng ý với phán quyết của TAND cấp sơ thẩm, ông Phạm Thanh Hải và bà Hồ Thủy đã làm đơn kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét phần tội danh của Phan Xuân Thắng về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đề nghị xem xét buộc Phan Xuân Thắng hoàn trả số tiền hơn 1 tỉ đồng và 15 nghìn USD đã chuyển cho Thắng.

TAND tỉnh đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm theo đơn kháng cáo của những người có quyền lợi liên quan tại Công ty cổ phần dịch vụ Ngọc Lâm.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX TAND tỉnh đã quyết định đình chỉ nội dung kháng cáo, đề nghị xem xét tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Phan Xuân Thắng của ông Phạm Thanh Hải và bà Hồ Thủy; bác toàn bộ kháng cáo buộc bị cáo phải hoàn trả lại cho ông Phạm Thanh Hải và bà Hồ Thủy số tiền hơn 1 tỉ đồng và 15 nghìn USD do phía những người có liên quan không cung cấp được các tài liệu, hồ sơ có liên quan đến việc chuyển cho Phan Xuân Thắng số tiền này.

Do bị cáo không có kháng cáo nên HĐXX giữ nguyên mức hình phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo như bản án sơ thẩm đã tuyên.                               

 

Vũ Quốc Hùng