Chỉ vì “nhẹ dạ cả tin”

Như vụ việc mới đây xảy ra ngày 28/6/2021, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Cao Minh Tú, SN 1981, trú tại tổ 4, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước khi bị bắt, Cao Minh Tú nguyên là Phó Chánh văn phòng huyện Sông Mã, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Mã, Phó Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Sông Mã và sau đó là giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú, trung học cơ sở xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, lợi dụng mối quan hệ thân quen với các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm, làm chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. 

leftcenterrightdel
 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La thi hành lệnh bắt Cao Minh Tú.

Nạn nhân đầu tiên của Cao Minh Tú đó là anh Lường V.N, trú tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Anh N cho biết: Vợ anh và Cao Minh Tú là bạn học cũ, vào tháng 4/2020 Tú đã gọi điện cho anh N. hỏi “trong gia đình có con cháu học xong có nhu cầu xin việc không?”. Do có cháu dâu Quàng Thị L. mới học xong sư phạm và chưa xin được việc nên anh N. hỏi “có chắc chắn xin được việc không?” thì Tú nói “đây là chỗ suất của các sếp, là chỗ tin tưởng sẽ xin được việc” nên anh N. tin tưởng nhờ Tú xin cho cháu L. làm giáo viên tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu với giá 250 triệu đồng. 

Tin tưởng Cao Minh Tú có mối quan hệ với các “sếp” ở huyện Thuận Châu nên vào khoảng tháng 5/2020, tại nhà anh N, vợ chồng L. đã trực tiếp gặp và chuyển tiền cho Tú 50 triệu đồng để lo việc, hẹn sau khi xong việc sẽ chuyển nốt số còn lại. Tú hướng dẫn chị L. làm hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa UBND huyện Thuận Châu, đến ngày thi thì đi thi bình thường.

Những ngày sau đó, chị L. đã chuyển khoản và trả tiền mặt thêm cho Tú nhiều lần được 60 triệu đồng, tổng số tiền chị L. chuyển cho Tú là 110 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi đi thi, chị L. không đỗ, chẳng những không xin được việc mà còn không đòi được tiền.  

Cũng giống trường hợp chị L, anh Cà V.X, trú tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được anh N. giới thiệu nên biết Tú. Để củng cố thêm niềm tin cho anh X, Tú nói có mối quan hệ quen biết với đồng chí Bí thư huyện ủy, đưa thêm thông báo của Sở Nội vụ về công tác tuyển dụng và hứa hẹn xin cho con dâu của anh X. làm giáo viên một Trường tiểu học ở huyện Thuận Châu với giá 250 triệu đồng.

Cứ nghĩ rằng con dâu sắp xin được việc nên anh X và gia đình đã phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để đưa cho Tú, lần 20 triệu, lần 60 triệu và cuối cùng là 30 triệu mà không hề biết rằng Cao Minh Tú chẳng có một động thái xin việc nào hết.

Nghe Tú dụ dỗ, anh N. còn kêu gọi anh, chị, em trong gia đình và một số người thân quen trên địa bàn huyện Thuận Châu nộp tiền cho anh để anh mang đến nhờ Tú xin việc cũng như làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Theo anh N, từ tháng 5/2020 đến tháng 11/2020 anh đã giới thiệu được 13 người có nhu cầu xin việc và làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, trong đó nhiều trường hợp anh nhận tiền của họ để đưa cho Tú lo việc như trường hợp anh Cà V.T 210 triệu đồng; anh Lò V.T 190 triệu đồng; chị Lò T.Tr 210 triệu đồng; anh Lường V.M 215 triệu đồng… Cho đến nay, Tú chưa xin được việc cho trường hợp nào, cũng chưa trả lại tiền cho các nạn nhân.

Biết bị lừa, ngày 1/6/2021, anh N cùng các nạn nhân viết đơn tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng.

Thủ đoạn của đối tượng

Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo về hành vi lừa đảo của Cao Minh Tú, từ những chứng cứ và tài liệu thu thập được, ngày 28/6/2021 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Cao Minh Tú về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Bộ Luật Hình sự. Đồng thời thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với chỗ ở, nơi làm việc của Cao Minh Tú để phục vụ công tác điều tra làm rõ. Trước khi bị bắt, Cao Minh Tú cũng từng là người “có chức, có quyền” nên đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lợi dụng mối quan hệ thân quen với các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Từ tháng 4/2020 đến nay Cao Minh Tú đã lừa đảo chiếm đoạt của 14 người dân trên địa bàn huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai số tiền trên 2 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt được đối tượng Tú sử dụng vào việc trả nợ và chi tiêu cá nhân hết.

Thiếu tá Quàng Hữu Nam, Điều tra viên Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La cho biết: Điểm chung của các nạn nhân bị đối tượng lừa đảo đều là những trường hợp có con em tốt nghiệp tại các trường học đang muốn xin vào cơ quan Nhà nước. Bản thân đối tượng đã vay nợ nhiều người tại địa bàn huyện Sông Mã và không có khả năng trả nên đối tượng hướng đến các địa bàn khác trong tỉnh để thực hiện hành vi lừa đảo để dễ dàng hoạt động mà không sợ bị lộ. 

leftcenterrightdel
 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La thi hành lệnh khám xét nơi ở đối với Cao Minh Tú.

Quá trình đấu tranh, khai thác, đối tượng khai nhận bản thân vay nợ nhiều người không có khả năng trả nên Tú nghĩ ra cách lừa giới thiệu bản thân có khả năng xin việc ở một số vị trí trong huyện như giáo viên, y sĩ, kiểm lâm... kèm theo điều kiện đặt cọc trước một khoản tiền để “chạy việc”. Tuy nhiên sau khi nhận tiền từ các nạn nhân, Cao Minh Tú chỉ liên hệ để hỏi thông tin về việc tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn chứ không hề có động thái nhờ xin việc làm.

Đối với những trường hợp xin làm giáo viên, để tạo lòng tin Tú còn tự tải các đề thi trên mạng về chỉnh sửa nội dung bao gồm đề thi, đáp án, giấy thi rồi chuyển vào mail cho các bị hại làm bài tại nhà, những bài thi này sau đó đã bị Tú đem đi tiêu hủy. Còn với những trường hợp cần làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ thì dễ dàng hơn nhiều, Tú chỉ cần nhận tiền và đặt mua trên mạng rồi chuyển lại cho các bị hại. 

Thiếu tá Phạm Anh Tuấn, Đội trưởng Đội điều tra và thẩm định hồ sơ tố tụng Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La cho biết: Đối tượng Cao Minh Tú là người có trình độ, có nhận thức và hiểu biết pháp luật, từng giữ chức vụ ở một số cơ quan Nhà nước nên y đã lợi dụng điều này để tiếp cận, tạo sự tin tưởng cho các bị hại rồi chiếm đoạt tiền của họ, hơn nữa các bị hại của Cao Minh Tú ở nhiều địa bàn của nhiều huyện nên công tác điều tra gặp không ít khó khăn.

Công an khuyến cáo những người có nhu cầu xin việc

Trước đó, vào ngày 14/5/2020, TAND tỉnh Sơn La đã tuyên phạt bị cáo Đinh Thị Linh, SN 1970, trú tại bản Tường Quang, xã Quang Huy, huyện Phù Yên 8 năm tù; Hoàng Thị Mai Ban, SN 1984, trú tại tổ 13 phường Quyết Thắng, TP Sơn La  (tạm trú tổ 3, khu phố 4, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng số tiền Linh và Ban đã lừa đảo chiếm đoạt của 13 bị hại là 1,58 tỉ đồng.

Đây chỉ là hai trong số nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý thời gian qua. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 3 vụ, 5 bị can lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm. Có khoảng 30 người bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 7 tỉ đồng. Được biết, đây chỉ là con số nhỏ trong tảng băng chìm, vì có nhiều gia đình ngại hoặc sợ cho nhiều người biết mình “chạy việc” lại còn mất tiền nên không dám trình báo cơ quan chức năng.

Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm và không trở thành nạn nhân của tội phạm này, trước hết, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng tại nơi mình định thi tuyển vào làm việc; nâng cao tinh thần cảnh giác, khi thấy có bất kỳ dấu hiệu lừa đảo cần trình báo các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, bản thân mỗi người dân cũng cần tỉnh táo khi xin việc làm để tránh tình trạng tiền mất mà việc chẳng thấy đâu.
Minh Phượng