Vừa qua, VKSND và TAND huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) đã phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, giữa nguyên đơn ông C.Đ. (trú tại phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) và bị đơn bà Th.L. (trú tại huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk).

leftcenterrightdel
Đồng chí Trần Thủy Tiên, Kiểm sát viên sơ cấp VKSND huyện Lắk tại phiên tòa.

Hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa thể hiện, ngày 13/7/2015, các đương sự xác lập hợp đồng mua bán nhà và đất (diện tích 81.2m2 tại đường Đặng Trần Côn, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) với số tiền 340 triệu đồng. Theo đó, nguyên đơn (bên mua) đã thanh toán cho bị đơn 310 triệu đồng, thỏa thuận sau khi hoàn thành thủ tục cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, sẽ thanh toán số tiền còn lại (bên mua có trách nhiệm thực hiện các thủ tục, bên bán phối hợp thực hiện).

Tuy nhiên, năm 2019 sau khi nguyên đơn đã hoàn thành các thủ tục liên quan, đề nghị bị đơn phối hợp hoàn thiện hồ sơ sang tên thì bị đơn luôn tìm cách né tránh.

Trong quá trình hòa giải và giải quyết vụ án, bị đơn cho rằng giá đất hiện nay “sốt cao” nên… không đồng ý chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất theo hợp đồng đã ký mà có nguyện vọng lấy lại đất, trả lại tiền gốc và lãi suất phát sinh theo lãi suất Ngân hàng Nhà nước quy định cho nguyên đơn.

Sau thời gian nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất toàn bộ quan điểm đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn có nghĩa vụ phối hợp cùng nguyên đơn và Cơ quan có thẩm quyền trong quá trình làm thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
VKSND huyện Lắk tổ chức họp rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị sau khi phiên tòa kết thúc.

Kết thúc phiên tòa, VKSND huyện Lắk đã tổ chức họp rút kinh nghiệm trong toàn đơn vị. Trên tinh thần đóng góp xây dựng, các đồng chí tham dự phiên toà đã phát biểu đánh giá đồng chí Kiểm sát viên tại phiên tòa đã đáp ứng được những yêu cầu về chuyên môn theo quy định; có tác phong chững chạc, bản lĩnh, phát ngôn và ứng xử tốt tại phiên tòa…

Phiên tòa rút kinh nghiệm được xem là hình thức tự đào tạo hiệu quả, giúp cán bộ, Kiểm sát viên có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao hơn nữa trình độ, kỹ năng nghiệp vụ./.

Y Ker BKrông - Hải Âu