Vay lãi nặng để làm đám ma cho chồng
Tìm đến nhà chị Lò Thị H. ở bản Hài, phường Chiềng An, thành phố Sơn La. Nhịp sống nơi đây cũng đã dần đô thị hóa, mang dáng dấp của một khu đô thị hạng sang trong tương lai. Thế nhưng, dưới những mái nhà có vẻ bình yên đó, lại chẳng được yên bình...
Câu chuyện của chị Lò Thị H. đã bắt đầu vén màn về một bức tranh đen tối của cuộc sống bà con dân nghèo giữa thành phố Sơn La. Đến bây giờ chị H. vẫn không thể quên những ngày tháng đen tối đó, chồng mắc trọng bệnh rồi mất trong khi nhà nghèo không có tiền làm đám tang cho chồng. Chị phải tìm đến vay mượn tín dụng đen.
|
|
Chị Lò Thị H. chia sẻ với phóng viên câu chuyện dính vào lãi nặng của mình. |
Chị H. đến vay lãi tại “Công ty TNHH CTL kết nối tạo thành công”, lúc này tài sản thế chấp duy nhất của chị là chiếc xe máy cũ. Sau một hồi kì kèo bớt một thêm hai chiếc xe cũng được định giá với số tiền 9 triệu. Nhận được 9 triệu, chị phải để lại chứng minh nhân dân và chiếc đăng ký xe, đồng thời ký vào một số giấy tờ mà đến bây giờ chị vẫn chưa thể nhớ hết đó là những loại giấy tờ gì. Với lời hẹn là sau 1 tháng sẽ trả đủ cả gốc và lãi.
Vay 9 triệu đồng cùng tiền lãi là 80 nghìn đồng/ngày, đồng nghĩa chị phải trả 2,4 triệu đồng tiền lãi và 9 triệu tiền gốc sau 1 tháng. Một tháng qua đi, đám ma của chồng cũng đã xong thì món nợ của chị xem ra khó có thể trả được vì lãi mẹ đẻ lãi con...
|
|
Một số điểm giao dịch của “Công ty TNHH CTL kết nối tạo thành công”. |
Cũng giống như chị H. câu chuyện của Tòng Thị V. ở bản Lụa, xã Hua La, thành phố Sơn La cũng bi đát không kém. Năm 2021 khi tình hình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp, công việc cũng một phần đình trệ chị V. là một trong những “khách hàng” của “Công ty TNHH CTL kết nối tạo thành công” như chị H. nhưng số tiền chị vay chỉ là 5 triệu, với số tiền trên chị phải trả mỗi tháng 900 nghìn tiền lãi cộng với tiền gốc.
Cứ thế từng ngày, từng tháng trôi qua ấy vậy chị cũng đã 4 lần đóng lãi với số tiền 3,6 triệu đồng, gần bằng số tiền mà chị đã vay trước đó. Trong đầu chị lúc ấy chỉ nghĩ rằng, có vay thì có trả chứ chẳng thể nào nghĩ được xa hơn chuyện chị chính là nạn nhân của nạn vay lãi nặng.
Lật mặt “ông bà chủ” khét tiếng nơi phố núi
Trường hợp của chị H. và chị V. đều là những nạn nhân của “Công ty TNHH CTL kết nối tạo thành công”, thực chất đây là một công ty trá hình do hai vợ chồng đối tượng Lê Văn Cường và Bùi Thị Khánh Linh dựng lên, người dân ở Sơn La gọi đó là gia đình nhà “Cường Thịnh”.
|
|
Đối tượng Lê Văn Cường và Bùi Thị Khánh Linh tại cơ quan Công an. |
Theo chị H. chia sẻ, thì hoạt động cho vay nặng lãi của vợ chồng nhà “Cường Thịnh” xuất hiện đã vài năm gần đây. Hầu như các bản trong phường này, rồi nhiều địa bàn lân cận, thậm chí có cả những người ở huyện khác cũng đến vay, bởi nhà này nhiều cơ sở với lãi suất "cắt cổ" từ 100 đến 500% cũng có.
Nhưng đa phần thì vay để chi tiêu gia đình, như: Mua xe, ốm đau, làm ma chay, cỗ cưới… Số tiền vay từ vài triệu, đến vài trăm triệu đồng. Kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào cây ngô, cây lúa nên khi đến hạn trả, người dân phải mất thêm tài sản do “lãi mẹ đẻ lãi con”. Thủ tục vay cũng vô cùng dễ dàng, nhanh gọn.
|
|
Một số tài sản có thể thế chấp được các con nợ mang cắm. |
“Cả cái thành phố Sơn La này không ai là không biết vợ chồng nhà Cường Thịnh hoạt động cho vay nặng lãi. Từ khi xuất hiện hoạt động này, dân tình khốn đốn. Đáng nói, người vay phần lớn là hộ nghèo. Bởi vậy mà đã nghèo lại càng nghèo thêm” – chị H. trải lòng.
“Tiền tươi thóc thật” trao tay chỉ sau 1 chữ ký, cái điểm chỉ, khiến không ít người cứ như “ma kéo mất hồn” kéo nhau đi vay và mang ơn vợ chồng nhà Cường Thịnh. Chỉ đến khi phải trả, nhìn vào số tiền lãi thực, người ta mới giật mình tỉnh mộng, thì mọi của cải có giá trị trong nhà, thậm chí cả nhà, cả đất đã đội nón ra đi.
Nhưng đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, vừa qua Cơ quan CSĐT Công an TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Cường và Bùi Thị Khánh Linh (cùng trú tại tổ 9, phường Quyết Tâm, TP. Sơn La) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Khoản 2, Điều 201, Bộ luật Hình sự và ra lệnh tạm giam đối với 2 bị can để phục vụ công tác điều tra.
|
|
Chân dung “bà chủ” Bùi Thị Khánh Linh. |
|
|
Đối tượng cầm đầu đường dây Lê Văn Cường. |
Chia sẻ với PV, một trinh sát đấu tranh với Chuyên án này cho biết: Hai vợ chồng Lê Văn Cường (SN 1989) và Bùi Thị Khánh Linh (SN 1994) sinh sống tại Tổ 9, Phường Quyết Tâm, Thành phố Sơn La mở các cơ sở hoạt động cho vay nặng lãi dưới “vỏ bọc” là Công ty TNHH CTL kết nối tạo thành công, trụ sở chính đặt tại số nhà 236, đường Trần Đăng Ninh, thành phố Sơn La; các chi nhánh còn lại đặt tại số 2, số 316 đường Lê Duẩn, TP Sơn La và số 29, Tiểu khu 5, Thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến năm 2021 Lê Văn Cường và Bùi Thị Khánh Linh đã có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự nhằm thu lợi bất chính đối với nhiều người tại khu vực thành phố Sơn La và các địa bàn giáp ranh. Đối tượng cùng nhân viên đăng tin, bài quảng cáo trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo,… dán tờ rơi tại các điểm công cộng trên địa bàn thành phố Sơn La; chuẩn bị sẵn các hợp đồng mua bán và cho thuê xe để ngụy trang.
Hình thức cho vay nặng lãi của đối tượng đó là: Đối với khách hàng đến vay tiền thì Lê Văn Cường yêu cầu phải có tài sản là xe (xe máy hoặc ô tô)… Cường sẽ định giá xe của khách và lập hợp đồng mua bán xe (Hợp đồng mua bán xe thể hiện tiền vay) và hợp đồng thuê lại chính chiếc xe đã bán (Hợp đồng thuê xe thể hiện tiền lãi của khoản vay). Đồng thời yêu cầu khách hàng phải ký tên, điểm chỉ vào các hợp đồng nêu trên và phải để lại giấy tờ xe và giấy tờ tùy thân,… Nếu như “con nợ” không trả được tiền lãi thì Cường đe dọa thu xe vì đã ký trong hợp đồng đã bán.
Theo Trung tá Phạm Thu Hằng, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Kinh tế - ma túy, Công an thành phố Sơn La: Quá trình điều tra, khám phá chuyên án này gặp nhiều khó khăn, bởi các đối tượng hoạt động kín kẽ, tinh vi với nhiều chiêu thức để lách luật, đối phó. Các cơ sở giao dịch được sắp xếp, rải rác tại nhiều địa bàn tại thành phố và các huyện lân cận, cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo, hướng dẫn bài bản, có trình độ và sự nhạy bén. Mọi nhất cử nhất động của “Công ty” đều có sự giám sát, điều hành chặt chẽ của 2 vợ chồng đối tượng Lê Văn Cường và Bùi Thị Khánh Linh.
Nhận diện để chủ động phòng tránh
Trong khi hoạt động cho vay lãi nặng, cầm đồ đã và đang “mở toang cửa” với những điều kiện vô cùng “dễ dàng” như: Không cần tài sản thế chấp, hoặc có tài sản thế chấp nhưng điều kiện thì lại dễ, đặc biệt thời hạn giải ngân nhanh trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng lại khá khó khăn do thủ tục cho vay chặt chẽ. Bên cạnh đó, người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa hoặc người có tài sản thế chấp thấp thường có tâm lý ngại tiếp xúc với ngân hàng…
Thượng tá Đặng Văn Hiệp, Phó trưởng Công an thành phố, Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an thành phố Sơn La: những năm gần đây, các loại hình kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh dịch vụ tài chính trên địa bàn thành phố Sơn La đang có chiều hướng gia tăng. Nhiều đối tượng đã lợi dụng loại hình kinh doanh này để thực hiện các hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen” như cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản… Đa số các nạn nhân bị đe dọa, sợ bị trả thù không dám tố giác, một số không hợp tác với cơ quan chức năng dẫn đến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, không tham gia vào hoạt động cho vay nặng lãi để tránh tiền mất, tật mang; đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội tại địa bàn thành phố Sơn La. |
Thực tế thời gian qua không ít người dân phố núi Sơn La vì không chứng minh được khả năng trả nợ đã tìm đến hoạt động cho vay nặng lãi của các “Công ty” kiểu như “Công ty TNHH CTL kết nối tạo thành công”. Mục đích vay cũng vô vàn, có những người vay do khó khăn trong cuộc sống như: Tình hình dịch COVID -19 nên cũng khó khăn trong làm ăn, ốm đau, bệnh tật, vay đáo hạn ngân hàng hay cả những đối tượng sa đà vào các tệ nạn xã hội không còn lối thoát. Để gài bẫy, các đối tượng cho vay lãi nặng thường có những chiêu trò mời chào “đường mật”. Vì vậy người vay không lường trước được việc vay rồi thì rất khó thoát khỏi những cái bẫy bị giăng sẵn, đến khi dính bẫy rất nhiều trường hợp không dám tố cáo do lo sợ bị trả thù.
Riêng với những trường hợp vay tiền sử dụng tiền vay vào mục đích không chính đáng như lô đề, cờ bạc, cá độ… hầu hết đều lẩn tránh không hợp tác, khai báo với cơ quan Công an. Đến khi cơ quan Công an triệt phá các tổ chức tín dụng đen, xác định họ là bị hại của vụ án trên họ mới thành khẩn khai báo rằng bản thân mình cũng đang bị một nơi khác siết nợ. Chính điều này đã dẫn đến hoạt động “tín dụng đen” “bủa vây” khắp nơi, xâm nhập, tiếp cận mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp…