“Chảo lửa Chi Lăng" không còn thuộc về người Đà Nẵng

“Chúng ta đã biết người dân Đà Nẵng gọi SVĐ Chi Lăng là “chảo lửa Chi Lăng”, nó gắn bó lâu đời với người dân TP Đà Nẵng. Nguyện vọng của nhân dân thành phố nói chung cũng như lãnh đạo thành phố là muốn lấy lại SVĐ này. Lãnh đạo thành phố đã họp và thống nhất chủ trương giao các ngành nghiên cứu đề xuất các giải pháp để lấy lại”, đó là lời ông Đặng Việt Dũng –Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã từng nói trong một cuộc họp báo.

Đúng như lời ông Đặng Việt Dũng, SVĐ Chi Lăng một thời từng là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng, nơi mà mỗi khi đội bóng xứ sông Hàn có những cuộc thi đấu với các đội bóng khác. Tuy nhiên, cái thời “chảo lửa Chi Lăng" sôi động với những trận bóng của đội bóng xứ sông Hàn đã qua đi trong sự tiếc nuối của nhiều thế hệ người dân Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Sân Vận Động Chi Lăng 

Như báo Bảo vệ pháp luật đã nhiều lần phản ánh, SVĐ Chi Lăng và khu đất tại 209 Trường Chinh Đà Nẵng hiện là tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh và đang trong thời kỳ THA liên quan đến vụ án Phạm Công Danh. Tổng giá trị phải THA của hai tài sản này là khoảng hơn 3.000 tỷ đồng.

Cơ quan THA TP HCM đang ủy quyền cho cơ quan THA TP Đà Nẵng để THA đối với vụ án này. Hiện tại SVĐ Chi Lăng đang bị chia thành 14 lô đất với 14 dự án và toàn bộ các lô đất này đang bị Cơ quan THA kê biên.

Chính quyền Đà Nẵng đang rất quyết tâm để có thể “chuộc lại" SVĐ này. TP Đà Nẵng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ để xin thương lượng và lấy lại SVĐ này để phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa xã hội, phát triển của địa phương.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vào tháng 3/2019, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - Huỳnh Đức Thơ đã đề xuất xem xét xử lý theo hướng, tòa án xử hủy quyết định hành chính về việc giao đất, tách Giấy chứng nhận không đúng quy định để từ đó thành phố sẽ thỏa thuận hoàn trả 1.200 tỷ đồng để lấy lại SVĐ Chi Lăng.

Tuy nhiên mới đây, tại buổi thỏa thuận theo đề nghị của UBND TP Đà Nẵng giữ lại sân Chi Lăng giữa cơ quan THA và đại diện Ngân, đại diện chủ sở hữu SVĐ Chi Lăng là Tập đoàn Thiên Thanh và đại diện UBND TP Đà Nẵng thì phía ngân hàng đã “lắc đầu” với đề nghị này của TP Đà Nẵng.

leftcenterrightdel
Sân Vận Động Chi Lăng đang là tài sản THA của Tập đoàn Thiên Thanh 

Tại buổi thỏa thuận này, ông Nguyễn Việt Dũng, đại diện Ngân hàng Agribank Láng Hạ cho rằng, việc UBND TP Đà Nẵng đề nghị nhận lại khu phức hợp SVĐ Chi Lăng với số tiền ông Phạm Công Danh đã nộp ngân sách là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi các bên, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Khó để thuyết phục phía Ngân hàng chấp nhận

Bình luận về việc phía Ngân hàng “lắc đầu” với đề nghị được “chuộc lại" SVĐ Chi Lăng, Luật sư Lê Cao - Công ty Luật FDVN (thuộc đoàn luật sư Đà Nẵng) cho rằng, ông không cảm thấy bất ngờ về kết quả thỏa thuận THA giữa UBND TP Đà Nẵng và phía Ngân hàng.

Luật sư Lê Cao cho rằng, theo nội dung mà phía Ngân hàng trình bày thì có thể nhận thấy rõ, Ngân hàng sẽ không hi sinh quyền lợi chính đáng của họ và các cổ đông vì những sai phạm của một số cán bộ, cơ quan nhà nước hoặc các sai phạm của cá nhân khác.

Các khoản tiền cho vay của Ngân hàng là nguồn vốn được huy động từ dân chúng, nguồn tiền của các cổ đông và do đó, khi bên đi vay mắc nợ không trả được thì ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn là chính đáng.

Phía UBND TP Đà Nẵng đang đưa ra nguyện vọng là giữ lại SVĐ  Chi Lăng và thực hiện trả lại số tiền sử dụng đất và các khoản tài chính khác có liên quan mà Tập đoàn Thiên Thanh đã thực nộp vào ngân sách. Như vậy, có thể nhận thấy UBND TP Đà Nẵng đang xử lý sự việc theo hướng đề nghị chấm dứt việc giao dịch, chuyển nhượng với Tập đoàn Thiên Thanh, các bên nhận của nhau những gì thì hoàn trả cho nhau những thứ đó giao.

Tuy nhiên, tài sản là SVĐ Chi Lăng đã được Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp để thực hiện việc vay vốn tại Ngân hàng. Vậy nên, quan điểm của Ngân hàng, Tập Đoàn Thiên Thanh cho rằng cần phải xét tới hoàn cảnh, thời điểm mà các bên đã thực hiện giao dịch để có phương án xử lý là hoàn toàn phù hợp. Bởi quan hệ giữa UBND TP Đà Nẵng và Tập đoàn Thiên Thanh là một quan hệ mua bán, chuyển nhượng tài sản, khác so với quan hệ giữa Tập đoàn Thiên Thanh với Ngân hàng là một quan hệ về tín dụng.

leftcenterrightdel
Luật sư Lê Cao 

Nếu trên thực tế có việc cấp đất, giao đất, chuyển nhượng đất trái pháp luật thì phải có các quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực thì mới tước đi quyền sử dụng, sở hữu các tài sản thế chấp của chủ thể đem tài sản này đi thế chấp. Trong khi chưa có một quyết định hợp pháp nào tước đi quyền sử dụng, sở hữu tài sản này thì việc thế chấp đã được Tòa án xác nhận là hợp pháp và đang được THA buộc các bên phải thi hành theo quy định của pháp luật.

“Nếu TP Đà Nẵng quyết tâm giữ lại SVĐ Chi Lăng cho mục đích của thành phố thì thành phố cần cam kết các chính sách thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây hợp với mục đích của thành phố. Hoặc giải pháp khác là phải bỏ tiền ra mua lại để sử dụng theo mục đích mà Đà Nẵng muốn”, Luật sư Lê Cao nói về giải pháp mà TP Đà Nẵng cần thực hiện để đạt được mục đích quyết tâm giữ lại SVĐ Chi Lăng.

Xuân Nha