Đó là một phần trong những nội dung được thể hiện tại Báo cáo số 190/BC–HĐND ngày 7/7/2018 của Đoàn giám sát "Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai các dự án ven biển trên địa bàn TP.Đà Nẵng" do ông Tô Văn Hùng – Trưởng đoàn giám sát, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng ký làm tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021.

“Xé rào” để thu hút đầu tư

Theo báo cáo, tính đến tháng 3/2018, dọc tuyến ven biển đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Sa có 37 dự án được giao đất và thuê đất để thực hiện các dự án khách sạn resort cao cấp. Trong 37 dự án nói trên có 19 dự án đã đi vào hoạt động, 5 dự án đang triển khai và 13 dự án đã được bàn giao nhưng triển khai dự án chậm tiến độ và chưa triển khai. Hầu hết các dự án này đều được triển khai kêu gọi đầu tư xây dựng từ năm 2002 đến trước năm 2015. Việc kêu gọi đầu tư các dự án này nằm trong chiến lược phát triển tổng thể của TP.Đà Nẵng trong đó xác định ngành du lịch là kinh tế mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy phát triển cho các lĩnh vực khác.

Trên thực tế, trong số 37 dự án này có nhiều dự án được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động có hiệu quả tạo chuyển biến lớn cho thành phố, làm thay đổi diện mạo cảnh quan đô thị để TP.Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch của khu vực. 19/37 dự án hoàn thành và đi vào khai thảo, đã mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế - xã hội, thu hút lượng lao động đáng kể, đóng góp nguồn thu ổn định và nhất là tạo "cú hích" quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế thành phố nói chung và lĩnh vực dịch vụ du lịch nói riêng.

leftcenterrightdel
Nhiều dự án resort được đầu tư xây dựng dọc bờ biển Đà Nẵng tại quận Ngũ Hành Sơn (Ảnh Hoài An) 

Mặc dù Đà Nẵng đã có nhiều cố gắng trong công tác quy hoạch, quản lý công tác đầu tư xây dựng các dự án ven biển này nhưng một số dự án trong số này vẫn phát sinh rất nhiều bất cập. Nhiều dự án chậm triển khai kéo dài, gây lãng phí tài nguyên đất đai, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của thành phố. Một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án ven biển mặc dù được cấp đất từ lâu nhưng chậm triển khai, gây bức xúc dư luận bắt nguồn từ việc áp dụng chủ trương "vận dụng" linh hoạt quy định pháp luật nhằm thu hút đầu tư của TP.Đà Nẵng chưa hợp lý.

Báo cáo của Đoàn giám sát "Công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai các dự án ven biển trên địa bàn TP.Đà Nẵng" cho hay, giai đoạn 2002 trước năm 2015, TP.Đà Nẵng có những chủ trương “vận dụng” linh hoạt quy định pháp luật nhằm thu hút đầu tư và tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng. Một số điểm vận dụng chính sách pháp luật của Đà nẵng giai đoạn này là: giao đất không thông qua hình thức đấu giá mà được giao trực tiếp cho các tổ chức kinh tế; xác định thời hạn thuê đất vượt ra ngoài khung quy định của luật đất đai. Bên cạnh đó, một số dự án được thành phố giao đất quản lý, cho thuê, giao đất sử dụng lâu dài theo kiểu đan xen nhau, khiến cho công tác quản lý và khai thác đất đai về lâu dài gặp nhiều khó khăn.

Hệ lụy

Đến nay, từ việc thu hút đầu tư như vậy nhiều trường hợp vẫn chưa có giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư nhưng vẫn tiến hành giao đất, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; một số nhà đầu tư chuyển nhượng vốn vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ đông nên không nộp thuế theo quy định dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, việc "vội vàng" thu hút đầu tư, chưa sàng lọc kỹ năng lực nhà đầu tư và trong nhiều trường hợp đã nhanh chóng tạo điều kiện, "rút gọn" về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không tuân thủ quy hoạch. Nhiều dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhung chua triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ so với dự án đầu tư đã được xét duyệt; tình trạng một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu, nhưng vẫn được giao đất thực hiện dự án có quy mô lớn nên dẫn đến tình trạng đầu cơ "chiếm chỗ" rồi chuyển nhượng lại dự án để hưởng lợi chênh lệch. Đây cũng là những lý do của việc nhiều dự án ven biển mặc dù đã được giao đất từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai xây dựng hoặc triển khai tiến độ một cách rất chậm.

leftcenterrightdel
Một lối xuống biển cuối đường Hồ Xuân Hương bị bít bởi một dự án du lịch 

Ngoài ra, trong việc thu hút đầu tư, tính dự báo và định hướng trong quy hoạch sử dụng đất đai, phát triển không gian tại khu vực ven biển chưa theo kịp với thực tiễn dẫn đến nhiều hệ lụy. Một điều thấy rõ nhất là việc nhiều dự án đã bịt hết lối xuống biển của dân mà TP.Đà Nẵng hiện nay đang tìm nhiều giải pháp để giải quyết.

Ở góc độ môi trường, việc hình thành các dự án với mật độ khá dày tập trung ven biển đã phá vỡ cân bằng sinh thái. Rừng dương phòng hộ ven biển bị biến mất, làm suy giảm khả năng phòng chống gió bão; áp lực từ hoạt động xây dựng, chất thải sinh hoạt đã gây nên tác động xấu đến môi trường biển. Do thiếu các không gian mở ra hướng biển, một số khu vực đã hạn chế sự nối kết liên thông giữa các không gian cảnh quan và giảm khả năng thông gió cho đô thị, làm giảm đi tiện ích đô thị của thành phố biển...

Xuân Nha