Sáng nay (15/11), Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Đầu tư (sửa đổi). Trong dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, một số loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng bản chất bị biến tướng, như kinh doanh cầm đồ, công ty cho vay tài chính, cho vay hỗ trợ sinh viên...
“Tên thì hay nhưng bản chất là cho vay nặng lãi. Có giấy cũng cầm mà không giấy cũng cầm. Ta quản lý không chặt chẽ, trở thành mầm mống sinh tội phạm, đằng sau đó chính là xã hội đen” – đại biểu Phương nói và đề nghị phải đánh giá kỹ hiệu quả kinh tế xã hội, trật tự xã hội đối với kinh doanh đòi nợ, cho vay tài chính. Nên xem cái được là gì so với những hậu quả để lại về xã hội, an ninh trật tự…” - ông Phương nói. Theo đại biểu Phương, đòi nợ thuê ẩn đằng sau những hình thức kinh doanh nói trên, làm theo kiểu xã hội đen để lại hậu quả xã hội lớn.
Theo đại biểu Phương, nếu các loại hình kinh doanh này hậu quả nhiều hơn hiệu quả thì nên cấm. “Tôi thấy cấm là có lý. Các doanh nghiệp vay ngân hàng còn đang làm ăn chưa hiệu quả, khó khăn. Kinh doanh đòi nợ cấm là đúng. Còn hình thức cho vay tài chính, cầm đồ phải đánh giá kỹ trong kinh doanh có điều kiện. Nếu cần phải xiết nữa, đề phòng cả lợi ích nhóm câu kết trong lĩnh vực này” - ông Phương nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng, trên thực tế nhu cầu về dịch vụ đòi nợ thuê là có, đã được thế chế hóa thành Nghị định 104 của Chính phủ từ năm 2007. Tuy nhiên, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê đã biến tướng, gây nhiều hệ lụy. "Qua đánh giá gần đây của các địa bàn nở rộ loại dịch vụ này như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương thì diễn biến rất phức tạp"- đại biểu Dung cho hay.
|
|
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung |
Theo phân tích của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, đối với những khoản nợ không tuân thủ quy định pháp luật giữa người dân với nhau, giữa doanh nghiệp với nhau..., chủ nợ thường không tìm đến cơ quan pháp lý để được hỗ trợ, giải quyết, không đi theo con đường tố tụng vì không đủ cơ sở, thậm chí lo ngại chậm giải quyết. Bởi vậy, chủ nợ thường tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê, thậm chí bán nợ cho các công ty này với tỉ lệ rất cao, lên đến trên 50%, nhưng đổi lại họ sẽ đòi được nợ.
Băn khoăn khi hiện nay cơ quan nhà nước có nhiều công cụ, cơ chế nhưng việc giải quyết các khoản nợ tranh chấp không đạt kết quả, trong khi dịch vụ đòi nợ làm lại tốt hơn, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng nguyên nhân đến từ việc dịch vụ này có tính chất xã hội đen.
“Sở dĩ nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê, đại biểu Dung, là do nhiều vụ việc liên quan đến đòi nợ xảy ra thời gian qua ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Gia Lai... gây mất an ninh trật tự. "Chiêu trò của các nhóm đòi nợ này là sử dụng xã hội đen, xăm trổ, lực lưỡng, rần rần đến nhà con nợ. Con nợ chỉ nhìn thấy thôi đã sợ chứ chưa cần thiết phải đe dọa hay hành hung. Thậm chí họ còn sử dụng các chiêu khác như đe dọa người thân hay nắm bắt các bí mật rồi đe dọa công khai nêu không trả nợ"- đại biểu Phan Thị Mỹ Dung nói.
Trong khi đó, vai trò quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước chưa sát, chỉ khi nào xảy ra vụ việc thì mới can thiệp. "Nhiều địa phương rất đồng lòng cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ, bản thân tôi cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cấm loại dịch vụ này"- đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho hay./.