Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Public Private Partnership - gọi là đầu tư theo phương thức PPP) là phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công mà Nhà nước có trách nhiệm cung cấp.

2. Dự án đầu tư theo phương thức PPP là tập hợp các đề xuất có liên quan đến việc đầu tư để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công thông qua việc thực hiện một hoặc các hoạt động sau:

a) Xây dựng, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng;

b) Cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có;

c) Vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng sẵn có.

Phải Kiểm toán các dự án đầu tư  công – tư?

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) chia sẻ: “Để xác định kiểm toán toàn bộ hay là kiểm toán một phần thì phải xác định là dự án PPP này là đầu tư công hay không phải đầu tư công. Tôi cho rằng dự án PPP là đầu tư công, bởi vì sao nói đây là đầu tư công là vì dự án này do nhà nước chủ trì, đứng ra để mời gọi thêm nhà đầu tư tư nhân tham gia và dự án được lập dựa trên chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước, nó chỉ khác là do nhà nước chưa đủ tiền làm ngay, cho nên cần có sự hợp tác”.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Quốc hội điều hành phiên làm việc.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết: “… Gần đây nhất là một dự án của Nhật Bản bôi trơn lần thứ nhất 2,2 tỉ, lần thứ hai 3,3 tỉ mà mình không phát hiện được, nhưng về Nhật thì Nhật phát hiện được. Tôi thấy trong tất cả các dự án hiện nay cần thiết phải có Kiểm toán nhà nước vào để kiểm tra và giám sát.

Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giám sát thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước trong dự án BOT hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2019, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 72.873 tỉ đồng, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 154 văn bản nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, về chính sách thất thoát, lãng phí của công tác đầu tư công”…

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) phân tích: “Chúng ta làm luật PPP thực chất là hợp tác công tư chứ không phải Luật Đầu tư công. Tôi cho rằng trong quá trình bắt đầu triển khai dự án, đến lúc kết thúc quá trình vận hành, bàn giao tới nhà nước thì có cả vốn đầu tư công và vốn tư nhân. Chỉ khi nào nhà đầu tư hết quá trình vận hành, bàn giao cho nhà nước thì đấy mới là tài sản công 100%.

Vì vậy, tôi cho rằng nếu đặt vấn đề chúng ta kiểm toán một cách toàn diện thì không hợp lý. Bởi vì có những dự án, nhà đầu tư chỉ yêu cầu nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, đền bù thì trong phần đấy kiểm toán hoàn toàn là tài sản công. Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư đầu tư vào thì mình chỉ kiểm soát sản phẩm chất lượng đầu ra”.

Có nên giới hạn lĩnh vực đầu tư công - tư?

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu: “Tôi đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là thu hẹp lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng điểm, trọng tâm, các dự án lớn có tính liên kết vùng, miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương gồm 5 lĩnh vực giao thông vận tải, lưới điện, nhà máy điện trừ nhà máy thủy điện, thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải và xử lý chất thải, y tế, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin. Việc Chính phủ quy định tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các dự án PPP theo từng lĩnh vực đầu tư quy định tại điểm a, b và c tại khoản 2 Điều 4 là phù hợp nên tôi đồng tình”.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tranh luận lại quan điểm này, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) khẳng định: “Quan điểm của tôi là giữ phương án 1 đó là không nên hạn chế, với các lý do như sau: Điện là một loại hàng hóa đặc biệt, điện không thể tích trữ hay cất kho hay để dành được mà do nhu cầu của nền kinh tế bao nhiêu thì phải đáp ứng được bấy nhiêu. Hàng hóa này nó là như vậy. Cho nên, trong cơ hội phát triển nền kinh tế, nhất là trong chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ thì cơ hội của Việt Nam rất lớn. Khi chúng ta phát triển kinh tế cùng với đòi hỏi nhu cầu về điện tăng lên thì chúng ta phải chuẩn bị đáp ứng được trong đòi hỏi, sự cần thiết của nền kinh tế. Nhưng lúc không cần nữa, hoặc giảm đi thì cũng không cất giữ được, mà lại phải điều tiết. Ở đây, thứ nhất, tôi đề nghị là không nên hạn chế nhà máy điện là vì như vậy.

Thứ hai, đảm bảo an ninh năng lượng. Hiện nay, trong bối cảnh chúng ta thấy được thời gian qua vấn đề về an ninh năng lượng đang có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều nguy cơ. Nếu như nền kinh tế phát triển, đón lõng được cơ hội đầu tư của khu vực và thế giới vào Việt Nam thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ không đảm bảo, đáp ứng được năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thứ ba nữa, hiện nay chúng ta cũng đang có đến 18 dự án đã thực hiện theo hình thức này rồi. Vậy thì sao bây giờ loại bỏ nhà máy điện này ra khỏi đầu tư PPP. Với những lý do đó, tôi đề nghị vẫn để theo phương án 1 của Thường vụ Quốc hội đề xuất”.

Vũ Cảnh