Đề xuất giảm số lượng đại biểu Quốc hội

Đa số ý kiến đề nghị giữ quy định tổng số ĐBQH không quá 500 người như hiện nay (Điều 23), tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giảm tổng số ĐBQH còn khoảng 250 – 300 người.

leftcenterrightdel
 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo trước Quốc hội.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng tổng số ĐBQH không quá 500 đại biểu đã được thực hiện ổn định trong nhiều nhiệm kỳ gần đây. Số lượng này đủ để bảo đảm trong Quốc hội có thành phần, cơ cấu đại diện phù hợp về vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, giới, ngành, nghề, độ tuổi,...

Mặt khác, dân số hiện nay của nước ta đã hơn 96 triệu người, do đó số lượng cử tri mà mỗi ĐBQH đại diện cũng như khối lượng công việc mà ĐBQH cần thực hiện liên quan đến việc thực thi chức năng đại diện (như tiếp công dân, nắm bắt, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp nhận, xử lý đơn thư của cử tri gửi đến…) ngày càng tăng thêm. Nếu giảm bớt số lượng ĐBQH thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu đại diện và khả năng cũng như chất lượng thực hiện vai trò đại diện của mỗi ĐBQH. Do đó, xin phép Quốc hội cho giữ quy định tổng số ĐBQH không quá 500 đại biểu như hiện nay. 

Nâng tiêu chuẩn đối với ĐBQH

Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối với ĐBQH như phải có bản lĩnh chính trị, hiểu biết toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội, có kinh nghiệm công tác tại địa phương, có khả năng nghiên cứu, phát biểu thảo luận, tranh luận trước Quốc hội; có tác phong quần chúng gần dân, sát dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.... Đại biểu nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn, yêu cầu nêu trên thì có thể bị miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm...

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, việc đặt ra các yêu cầu cao hơn đối với ĐBQH nói chung và ĐBQH hoạt động chuyên trách nói riêng là nhu cầu chính đáng và cần thiết... UBTVQH nhận thấy các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã thể hiện đầy đủ các năng lực, phẩm chất mà người ĐBQH phải có.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên làm việc.

Vì vậy UBTVQH xin phép Quốc hội cho giữ các nội dung quy định về tiêu chuẩn ĐBQH như trong Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành; đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để cụ thể hóa trong Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV cũng như trong các quy định về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ phù hợp với từng nhóm đối tượng (ĐBQH hoạt động chuyên trách, ĐBQH kiêm nhiệm, ĐBQH tái cử...) nhằm tạo điều kiện cho cử tri lựa chọn, bầu ra được những đại biểu thực sự xứng đáng làm người đại diện cho mình tại Quốc hội.

Thêm cơ hội trở thành ĐBQH

Một số ý kiến đề nghị giảm ĐBQH kiêm nhiệm công tác tại các cơ quan hành pháp...

Tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đang cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, chuẩn bị các nội dung đề xuất cụ thể về việc điều chỉnh cơ cấu, thành phần, tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử ĐBQH và dự kiến cơ cấu ĐBQH cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV bảo đảm phù hợp với các yêu cầu, chỉ đạo của Đảng đã nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về việc giảm hợp lý số lượng ĐBQH kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp.

Bên cạnh đó, cũng sẽ xem xét việc dành tỷ lệ nhất định cho các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người có nhiều kinh nghiệm hoạt động đại biểu sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ điều kiện về năng lực công tác, trí tuệ, uy tín và có sức khỏe, tham gia ứng cử làm ĐBQH hoạt động chuyên trách mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội. Các tiêu chí lựa chọn, cơ cấu cụ thể người ứng cử ĐBQH sẽ được cụ thể hóa trong Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV và không bổ sung vào Luật.

 

Vũ Cảnh