Báo cáo Thẩm tra Báo cáo Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030 của Hội đồng Dân tộc (HĐDT) trình bày trước Quốc hội trong phiên làm việc sáng ngày 28/5 cho thấy nhiều nội dung quan trọng trong quyết tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS&MN của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ…

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 28/5.

Cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn

Cụ thể, HĐDT thấy rằng, đây là một Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đối tượng thụ hưởng là đồng bào vùng DTTS&MN, nơi đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, nhất là vùng rẻo cao, biên giới, kinh tế - xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, hệ thống y tế, giáo dục, thiết chế văn hóa còn thiếu thốn. Đồng bào đang rất mong đợi sự đầu tư của Chương trình sẽ tác động mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân, thay đổi bộ mặt vùng DTTS&MN.

HĐDT cho biết, đa số ý kiến cho rằng, Chương trình MTQG có nhu cầu đầu tư rất lớn trong khi nguồn lực hạn chế, vì vậy cần đầu tư trọng tâm, trọng điểm hơn. Trong giai đoạn đầu triển khai dự án, tập trung vào 5 nhiệm vụ tại khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết 88, nhằm giải quyết được các vấn đề cơ bản như: (1) Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; (2) Sắp xếp, bố trí dân cư vùng sạt lở nguy hiểm; (3) Phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế; (4) Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu, cơ bản (điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thủy lợi); (5) Quan tâm đúng mức giáo dục, đào tạo vùng DTTS&MN. Chú ý công tác truyền thông, tuyên truyền; biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến.

Làm rõ tính khả thi của Chương trình

Chính phủ đã dự kiến tổng mức vốn thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là 137.664,95 tỉ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 134.270,70 tỉ đồng. HĐDT cho rằng, xuất phát từ thực trạng đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS hiện nay; để thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ tại Kết luận số 65 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88 của Quốc hội thì tổng nguồn vốn đề xuất trên đây chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra và thấp hơn nhiều so với khái toán ban đầu trong Đề án tổng thể do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (335.421,367 tỉ đồng), đạt 41,04% so với khái toán ban đầu, trong khi mục tiêu không thay đổi.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến trình bày Báo cáo thẩm tra Chương trình.

Do vậy, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ tính khả thi của Chương trình với nguồn lực bố trí như dự kiến sẽ thực hiện được những chỉ tiêu cụ thể nào của Kết luận số 65 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 88 của Quốc hội đề ra. Đồng thời, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét kỹ tổng mức vốn cho Chương trình và hằng năm tiếp tục quan tâm cân đối, bổ sung, bố trí thêm nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG.

Theo Tờ trình của Chính phủ, nguồn lực chủ yếu để thực hiện Chương trình chủ yếu là Ngân sách trung ương (giai đoạn 2021-2025 khoảng 105 ngàn tỉ đồng, chiếm khoảng hơn 76%)  trong khi đó sự tham gia của nguồn vốn huy động hợp pháp khác rất nhỏ (khoảng 3 ngàn tỉ đồng, chiếm 2,16%). HĐDT đề nghị, cần ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút sự tham gia của tổ chức, cá nhân ngoài khu vực nhà nước đóng góp cho Chương trình, đồng thời có cam kết của các địa phương, bảo đảm bố trí đủ vốn thực hiện dự án.

Băn khoăn về kinh phí

Về cơ cấu vốn thực hiện chương trình, theo dự kiến giai đoạn 2021-2025, vốn đầu tư phát triển là 50.629 tỉ đồng/vốn sự nghiệp là 54.324 tỉ đồng. Trong đó, Hội đồng Thẩm định Quốc gia chỉ báo cáo nguồn vốn đầu tư phát triển, còn nguồn vốn sự nghiệp chưa được thể hiện trong báo cáo. Đề nghị Chính phủ (Bộ Tài chính) giải trình, làm rõ nội dung này. Đồng thời, đề nghị rà soát, bố trí vốn theo hướng tăng chi đầu tư phát triển. Tính toán lại các nội dung dự án liên quan đến nguồn kinh phí sự nghiệp cho phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.

Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ cơ sở tính toán kinh phí từ định mức, nhu cầu và nội dung hoạt động để xác định phù hợp; dự kiến kinh phí đối với hạng mục các dự án sát thực tế và khả năng cân đối, bố trí vốn; bảo đảm hoàn thành dứt điểm các hạng mục đầu tư theo từng giai đoạn, bảo đảm khả thi trong thực hiện, tránh đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả.

Có ý kiến băn khoăn cho rằng, kinh phí thực hiện Chương trình vẫn chưa khắc phục được hạn chế khi xây dựng chính sách dân tộc trước đây, đó là mục tiêu đề ra lớn nhưng không bố trí đủ nguồn lực. Do đó, đề nghị Chính phủ cần xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư để bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Yêu cầu làm rõ 1 số vấn đề

Bên cạnh đó, HĐDT đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, quan tâm thể hiện rõ một số nội dung sau:

Thứ nhất: Áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án của Chương trình, trên cơ sở tổng kết, rà soát việc thực hiện và sửa đổi, bổ sung các cơ chế đặc thù đã ban hành trong giai đoạn 2016-2020.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu Quốc hội trong phiên làm việc sáng 28/5.

Thứ 2: Đa dạng hóa nguồn vốn trong đó vốn nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, tạo điều kiện huy động vốn ODA và đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách; xây dựng cơ chế huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, người dân để thực hiện Chương trình theo nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Thứ 3: Đẩy mạnh việc phân cấp và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; thực hiện công khai, dân chủ, đảm bảo sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong các khâu thực hiện Chương trình; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS; thực hiện phương châm: “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, “Xã, thôn có công trình, dân có việc làm, tăng thu nhập”.

Thứ 4: Các chính sách của Chương trình MTQG phải phù hợp với bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, điều kiện thực tiễn của các vùng miền, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Thứ 5: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng chống các biểu hiện tiêu cực khi thực hiện Chương trình MTQG. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng giám sát quá trình triển khai và đánh giá kết quả, đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chương trình.

Vũ Cảnh