leftcenterrightdel
 Kiểm tra hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm ngăn chặn vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm

Lực lượng QLTT cả nước đã xây dựng và triển khai các phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, làm tốt công tác quản lý địa bàn, chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, đặc biệt là đối với mặt hàng vàng, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác.

Song song với đó, lực lượng QLTT phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Thuế, Bộ đội biên phòng, Thanh tra chuyên ngành làm tốt công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chú trọng kiểm tra, xử lý kịp thời các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều vấn đề, vụ việc phức tạp, kéo dài đã được phát hiện, triệt phá, góp phần lành mạnh hóa thị trường, tạo môi trường bình đẳng trong sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, trước bối cảnh bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm tăng cường hoạt động chống buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong thời gian qua, lực lượng QLTT đã ký kết và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiều văn bản hợp tác với các lực lượng có chức năng ở nước ngoài như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào và các hiệp hội, nhãn hàng lớn trong hoạt động chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thông qua đó, Tổng cục QLTT mong muốn tạo dựng môi trường tin cậy cho các đối tác nước ngoài đầu tư, phát triển tại thị trường Việt Nam đồng thời kỳ vọng sự chung tay của các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài đang thực hiện hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam trong việc kinh doanh các sản phẩm chính hãng, chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng Việt.

Kết quả, từ 15/12/2023 đến 14/11/2024 lực lượng QLTT đã kiểm tra 65.882 vụ, phát hiện, xử lý 45.045 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 841 tỉ đồng (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 437 tỉ đồng (tăng 7%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 203 tỉ đồng (tăng 9%), trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy trên 201 tỉ đồng (tăng 57%), thu nộp ngân sách nhà nước 518 tỉ đồng (tăng 10%).

Điển hình như Cục QLTT thành phố Hà Nội chuyển Cơ quan điều tra khởi tố 6 đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán nước giặt giả quy mô lớn, thu giữ thu giữ 19.497 sản phẩm mỹ phẩm các loại (kem dưỡng da, mặt nạ thải độc, dầu gội, dầu xả) nhập lậu, trị giá trên 380 triệu đồng;

Cục QLTT thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, chuyển cơ quan điều tra vụ việc cơ sở kinh doanh tại quận 12 tàng trữ 24.442 đơn vị sản phẩm nước hoa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng ước tính trị giá hơn 1 tỉ đồng; kiểm tra cơ sở kinh doanh, mua bán vàng miếng, phát hiện và thu giữ số vàng trị giá 130 triệu đồng không có giấy phép kinh doanh; vàng trang sức trị giá 7,3 tỉ đồng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hay tại Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa, đã phối hợp với Công an thành phố Thanh Hóa kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh vàng, trang sức phát hiện 21 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu trị giá 258 triệu đồng, vụ việc đã chuyển sang cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

leftcenterrightdel
 Lực lượng QLTT kiểm tra vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng.

Tiếp thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn vi phạm

Để triển khai có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong thời gian tới, bà Vũ Thị Minh Ngọc, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch -Tài chính, Tổng cục QLTT cho biết, Tổng cục QLTT tiếp tục quán triệt, thực hiện kịp thời chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công thương về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số công tác QLTT; xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung phục vụ quản lý nhà nước về QLTT kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị lực lượng liên quan, đặc biệt là công an, hải quan...; xây dựng đội ngũ công chức thực thi công vụ về chống hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử tinh nhuệ, chuyên nghiệp hoạt động hiệu quả; tập trung xử lý hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thương mại điện tử theo tuyến, địa bàn trọng điểm.

Chú trọng công tác giám sát, kiểm tra các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế xã hội, sản xuất trong nước và quyền lợi người tiêu dùng và nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công thương. Đặc biệt, các lĩnh vực, mặt hàng như: thương mại điện tử, kinh doanh xăng dầu, vàng, trang sức, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các mặt hàng thiết yếu khác phụ vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân vào các dịp Lễ, Tết.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ; chủ trì và phối hợp với các lực lượng triệt phá các tụ điểm tập kết, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án 319 của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.

Cùng với đó, tăng cường hợp tác với các cơ quan, tổ chức, nhãn hàng lớn trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức và phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng QLTT…

Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền rộng rãi, kịp thời hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng QLTT tới mọi tầng lớp trong xã hội bằng hình thức phù hợp nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận trong hành động và sự chia sẻ, ủng hộ của toàn xã hội với ngành; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, tự giác chấp hành các chủ trương, chính sách của nhà nước, góp phần hạn chế sai phạm.

Minh Anh