Phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn, ông Vũ Văn Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, hiện nay, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn vẫn diễn ra. Hàng hóa bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT rất đa dạng, từ hàng may mặc, thời trang, tiêu dùng, thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc... đến những sản phẩm có giá trị cao như máy tính, điện thoại...
|
|
Ông Vũ Văn Sơn phát biểu tại hội nghị tập huấn. Ảnh:Đơn vị cung cấp. |
Cụ thể, trong 10 tháng năm 2023, lực lượng QLTT Hà Nam đã kiểm tra, phát hiện 4 vụ vi phạm về hàng giả, hàng hóa vi phạm được phát hiện là hàng thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và nhóm hàng vật liệu xây dựng, trong đó, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra 4 vụ, tính đến nay đã khởi tố 3 vụ/5 đối tượng, 1 vụ đang tiếp tục điều tra, xác minh.
Cũng theo ông Sơn, các vụ việc vi phạm về hàng giả nêu trên được chính quyền tỉnh và dư luận nhân dân hết sức quan tâm vì liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, an toàn người sử dụng. Các vi phạm được phát hiện, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, kết quả phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với thực tế đang diễn ra. Việc xác định hàng giả thì phải có nhiều yếu tố, trong đó khởi nguồn từ các yếu tố nhận diện các dấu hiệu vi phạm ban đầu đến việc thực hiện kiểm định, đối chứng và có giám định kết luận hàng giả. Việc này đòi hỏi phải có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ từ chính đơn vị chủ thể quyền, đơn vị sản xuất, từ khâu nhận diện dấu hiệu vi phạm đến khâu xác minh, giám định làm căn cứ xử lý vi phạm.
|
|
Hội nghị phân biệt hàng hóa giả mạo SHTT có ý nghĩa và hết sức cần thiết cho cán bộ làm công tác thực thi pháp luật. Ảnh: Đơn vị cung cấp. |
Do vậy, việc tổ chức hội nghị phân biệt hàng hóa giả mạo SHTT thực sự có ý nghĩa và hết sức cần thiết cho mỗi cán bộ làm công tác thực thi pháp luật. Qua đây, mỗi cán bộ, công chức QLTT được bổ sung, cập nhật kiến thức nghiệp vụ, vận dụng vào quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện và xử lý vi phạm hàng hàng giả, góp phần nâng cao chất lượng kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đồng thời, đây cũng là kiến thức căn bản giúp các cơ quan thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến đến các chủ cơ sở kinh doanh, từ đó nâng cao nhận thức, tránh mua phải hàng giả để bán cho người tiêu dùng.
Hội nghị đã được các Luật sư chuyên trách bảo vệ thương hiệu hướng dẫn các dấu hiệu phân biệt hàng thật - hàng giả đối với các sản phẩm: nước hoa, giày, kính mắt, dầu gội, dao cạo râu,...
Tại Hội nghị, sau phần hướng dẫn lý thuyết, công chức QLTT được cung cấp sản phẩm trực tiếp đối chiếu xác định dấu hiệu thật - giả.
Đại diện các luật sư chuyên trách bảo vệ thương hiệu cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng QLTT Hà Nam nói riêng, lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung trong việc giám định sản phẩm có dấu hiệu giả mạo làm căn cứ xử lý vụ việc.