Tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về đấu thầu

Theo cơ quan chủ trì xây dựng cho biết, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 (Luật Đấu thầu năm 2023) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ V, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Luật này giao Chính phủ quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm liên quan đến bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu; ưu đãi trong đấu thầu; chi phí trong lựa chọn nhà thầu; kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu; xây dựng giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; mua sắm tập trung; mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế;

Hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về đấu thầu; xử lý tình huống trong đấu thầu; thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu; xử lý vi phạm trong đấu thầu; cơ sở dữ liệu về nhà thầu, hợp đồng, chất lượng hàng hóa, uy tín của nhà thầu; quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.

Để bảo đảm thi hành Luật Đấu thầu năm 2023, cần ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều, khoản, điểm được Luật giao nêu trên. Đồng thời, Nghị định này cần quy định cụ thể các biện pháp tổ chức thi hành Luật thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ, đồng thời quy định các biện pháp xử lý những vướng mắc, bất cập đã phát sinh trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu và quản lý nhà nước về đấu thầu theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.

Việc xây dựng Nghị định nhằm mục tiêu tiếp tục hoàn thiện khung pháp luật về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước bảo đảm thực hiện có hiệu quả Luật Đấu thầu năm 2023; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả và bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch của công tác đấu thầu; đồng thời, tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu, góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ. 

Xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu

Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong hoạt động đấu thầu, dự thảo Nghị định nêu rõ, tùy theo mức độ vi phạm mà áp dụng hình thức cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với tổ chức, cá nhân, cụ thể như sau:

a) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các khoản 1, 2, 4 và điểm a khoản 3 Điều 16 của Luật Đấu thầu;

b) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 1 năm đến 3 năm đối với một trong các hành vi vi phạm điểm b, điểm c khoản 3, khoản 5, điểm g, h, i, k, l khoản 6, khoản 8 và khoản 9 Điều 16 của Luật Đấu thầu;

c) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 6 tháng đến 1 năm đối với một trong các hành vi vi phạm các điểm a, b, c, d, đ, e khoản 6 và khoản 7 Điều 16 của Luật Đấu thầu;

d) Cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm đối với hành vi vi phạm việc sử dụng lao động quy định tại khoản 10 Điều 23 của Nghị định này.

Việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu áp dụng đối với cả cá nhân thuộc chủ đầu tư, bên mời thầu có hành vi vi phạm.

Thời hiệu áp dụng biện pháp cấm tham gia hoạt động đấu thầu là 10 năm, được tính từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hoặc từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm, tùy theo thời hạn nào dài hơn.

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định về quy trình thực hiện việc cấm tham gia hoạt động đấu thầu. Cụ thể, căn cứ hành vi vi phạm và các tài liệu chứng minh của chủ đầu tư, bên mời thầu, các tổ chức, cá nhân liên quan hoặc kết luận điều tra của cơ quan điều tra, kết luận thanh tra của cơ quan thanh tra, kết luận kiểm tra của đoàn kiểm tra, báo cáo kết quả kiểm toán của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, kết quả giải quyết kiến nghị của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền xem xét, ban hành Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được tài liệu chứng minh hoặc kết luận, báo cáo.

Trường hợp thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định có hành vi vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu thì các cá nhân này bị xử lý theo khoản 3 Điều này.

Căn cứ hành vi vi phạm và các tài liệu chứng minh, văn bản đề nghị cấm tham gia hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền, thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, ban hành Quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, địa phương trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cấm tham gia hoạt động đấu thầu của người có thẩm quyền;

Trên cơ sở quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc đối với tổ chức, cá nhân đang bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu tại 3 quyết định cấm của 3 thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khác nhau.

Trong trường hợp này, thời gian cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi toàn quốc là 5 năm.

Đối với cá nhân thuộc tổ chuyên gia, tổ thẩm định vi phạm quy định tại Điều 16 của Luật Đấu thầu bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu quy định tại khoản 1 Điều này và bị thu hồi chứng chỉ nghiệp vụ chuyên môn về đấu thầu.

Trường hợp phải chấm dứt hợp đồng với thành viên liên danh, nhà thầu vi phạm theo quy định tại khoản 21 Điều 122 của Nghị định này, trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng với thành viên liên danh, nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư phải đăng tải thông tin nhà thầu vi phạm trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và gửi quyết định đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi.

P.V