Huy động vốn của hàng ngàn khách hàng
Theo tìm hiểu của PV, dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên tại phường Khánh Bình, TP Tân Uyên với diện tích hơn 51ha, quy mô gồm 3.700 nền do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên (Công ty Nam Tân Uyên) làm chủ đầu tư.
Dự án tiếp giáp với Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, mặt tiền đường chính của thị xã Tân Uyên (nay là TP Tân Uyên) là đường DT 746. Nơi đây được quảng cáo là một khu dân cư hiện đại, đông đúc và phát triển phồn thịnh nhất của TP Tân Uyên và là nơi sinh sống lý tưởng và an cư lập nghiệp cho mọi đối tượng.
|
|
Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Á huy động vốn bằng hình thức góp vốn với hàng ngàn khách hàng. |
Tháng 10/2018, dự án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư và giao đất.
Dù chưa đầy đủ cơ sở pháp lý nhưng chủ đầu tư dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Địa ốc Núi Hồng, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Nam Á, nhằm huy động vốn bằng hình thức góp vốn với hàng ngàn khách hàng. Cùng với đó chủ đầu tư tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Đến nay, dự án chưa được UBND tỉnh Bình Dương giao đất vì còn vướng mắc khi chủ đầu tư dự án là một doanh nghiệp tư nhân và một đơn vị có vốn nhà nước là Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đầu tư vào Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên (công ty liên kết) với số tiền 80 tỉ đồng, tương đương tỉ lệ 20% vốn góp trong dự án này.
Sau đó, Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH MTV sang Công ty TNHH HTV trở lên ngoài nhà nước. Trong đó, Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên chiếm 20% vốn điều lệ, đồng thời, Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên từ công ty con của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên lại trở thành công ty liên kết.
Hàng ngàn khách hàng có nguy cơ gặp rủi ro
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình TP HCM, đối với dự án đất nền (chưa có nhà trên đất) theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Luật kinh doanh bất động sản, các loại đất được phép kinh doanh quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện: Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; Trong thời hạn sử dụng đất.
Vì vậy, luật sư Hùng cho rằng rất rủi ro nếu khách hàng mua bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. “Thứ nhất rủi ro về pháp lý và khách hàng thường chịu thiệt do phát sinh liên quan đến các vướng mắc thủ tục pháp lý của dự án trong suốt quá trình triển khai xây dựng chưa được phê duyệt, chủ đầu tư không đóng tiền sử dụng đất; chưa được phép mở bán; nợ thuế, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Mặt khác, có thể khách hàng bỏ tiền đầu tư nhưng không nhận được sản phẩm, chủ đầu tư nhận tiền và bỏ trốn mà không tiến hành xây dựng, hoàn thành dự án như đã cam kết.
|
|
Dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên đã thi công một số hạng mục khi chưa có giấy phép xây dựng. Đến nay dự án đang dở dang khiến cỏ mọc um tùm. |
Thứ hai rủi ro về tài chính khi chủ đầu tư một lúc thực hiện nhiều dự án hoặc lấy vốn dự án này “đắp” cho dự án khác dẫn đến việc sử dụng vốn sai mục đích, làm chậm tiến độ dự án, nghiêm trọng hơn có thể sẽ đóng băng dự án khi nhà đầu tư không cân đối được vấn đề tài chính.
Thứ ba rủi ro về phê duyệt dự án nếu dự án chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng chủ đầu tư lại đưa vào kinh doanh và thu tiền của khách hàng, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án bị vướng mắc, thiếu sót dẫn đến dự án không được phê duyệt thì rủi ro về việc không bàn giao được nhà sẽ rất cao, lúc này chủ đầu tư đã sử dụng hết nguồn vốn để đầu tư dự án nên tiền trả lại cho khách hàng sẽ không còn”, luật sư Hùng nhấn mạnh.
Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đối với dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên./.