Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) về khó khăn thương mại Việt Nam và Mỹ, Trung Quốc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Nguyễn Xuân Cường khẳng định Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông nghiệp.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường 

Việt Nam đã khai thác được lợi thế khi tiếp giáp thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu thụ nông sản hai nước gần như nhau và có nhóm nông sản bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, vừa qua Trung Quốc có bước chuyển căn bản về vấn đề tổ chức thị trường nhập khẩu. “Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc thay đổi. Đến nay, Trung Quốc yêu cầu 100% mặt hàng phải nhập chính ngạch. Khó khăn thứ ba là những năm gần đây, Trung Quốc quay trở lại rất chú ý đến nông nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định cần tính toán 3 nguy cơ trên để cơ cấu lại hướng sản xuất, tổ chức lại thị trường Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ và các địa phương biên giới nắm bắt tình hình để có chương trình hành động chủ động.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi về giải pháp bù lượng thịt bị dịch tả lợn, nhằm cung cấp thịt cho dân ăn Tết?

Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn Châu Phi xảy ra hồi đầu tháng 2, Bộ trưởng nhấn mạnh bộ đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý, xác định rõ ba nguyên tắc. Trước hết là bảo đảm an toàn dịch bệnh, không để bung ra dịch bệnh. Hai là phải tổ chức có sự xâu chuỗi, doanh nghiệp làm cùng người dân. Ba là phải có thị trường chứ không thể bán tràn lan.

Nhờ các giải pháp đó, trong 9 tháng gia cầm tăng 12% sản lượng với khoảng 1 triệu tấn với 13 tỷ quả trứng, thủy sản tăng 6,5%, gia súc tăng chậm hơn, ở mức 4%. “Nếu khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bồi dưỡng tăng số lượng nhanh, bằng sự gia tăng đó sẽ cân đối, đảm bảo để không thiếu thực phẩm, không để xảy ra khủng hoảng như Trung Quốc”, ông Cường nói.

Nhắc đến việc người Việt có văn hóa ăn quen ăn thịt lợn, nhưng theo Bộ trưởng Cường, với những thực phẩm khác cũng phải tuyên truyền chứ không phải một sớm, một chiều thay đổi được. Ông thông tin vừa qua bộ đã làm việc với 13 doanh nghiệp đầu ngành, họ cam kết phát triển tối đa nhưng phải đảm bảo an toàn.

“Đàn lợn nái hiện nay 109.000 đàn giống hạt nhân, chúng tôi sẽ tập trung tăng đàn để có thể hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu từ nay đến cuối năm”, Bộ trưởng nói và cam kết bằng mọi giải pháp không để xảy ra khủng hoảng. Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng cho biết trước đây giá 40-45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60-65 nghìn đồng/kg. Ông mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được, và đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro.

Trong phiên chất vấn sáng 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã trả lời 27 câu hỏi chất vấn của đại biểu. Ngoài Bộ trưởng Nông nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tham gia trả lời những nội dung chất vấn có liên quan.

Chiều nay, ông Cường sẽ tiếp tục trả lời 10 câu hỏi chất vấn và 2 tranh luận của các đại biểu. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề do mình phụ trách./.

Xuân Hưng