Phát biểu khai mạc phiên chất vấn sáng nay (6/11), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tại kỳ họp này Quốc hội vẫn tiến hành chất vấn các Bộ trưởng và các thành viên Chính phủ như các kỳ họp trước. Mỗi đợt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn sẽ có 5 phút, có 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi.

Mỗi câu hỏi  không quá 1 phút, Bộ trưởng trả lời không quá 3 phút cho 1 câu hỏi tập trung vào các nhóm chuyên đề mình phụ trách. Khi các đại biểu thấy chưa thỏa đáng có thể tranh luận không quá 2 phút.

Cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ra Nghị quyết để Chính phủ hoàn thiện những lĩnh vực liên quan mà đại biểu nêu ra để cử tri và nhân dân giám sát.

Hy vọng phiên chất vấn sẽ diễn ra sôi nổi, chắc chắn sẽ làm thỏa đáng những vấn đề quan tâm của các đại biểu.

Tại phiên chất vấn này, Quốc hội còn đón có 86 học viên cán bộ cấp chiến lược khóa XIII tham dự phiên họp.

leftcenterrightdel
Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) nêu ý kiến chất vấn đầu tiên. 

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn gồm: Chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Công tác quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi với thị trường tiêu thụ; Ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác xuất khẩu nông sản, thủy sản; Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng và hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Công tác quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khắc phục tồn tại trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.

Các đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi); Châu Chắc (An Giang); Phạm Văn Tuân (Thái Bình) chất vấn các vấn đề: Tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp căn cơ, đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Về giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò hạt nhân trong liên kết sản xuất lớn; trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực này đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền trong cả nước; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp,... Tuy nhiên, con số này vẫn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Về nâng cao giá trị lúa gạo, Bộ trưởng cho biết giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới (hữu cơ, tinh túy) hơn... Về xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng nhấn mạnh 10 năm qua chúng ta đã đạt được những kết quả lịch sử, tuy nhiên so với yêu cầu, nguyện vọng của thực tế chúng ta vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vấn đề về môi trường (sản xuất, tự nhiên), hình thành sản xuất lớn, sản xuất liên kết, tái cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ,... tới đây Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục các vấn đề này.

Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, các Bộ trưởng, Trưởng ngành: Công thương, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Lao động – Thương binh và Xã hội; Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. 

Tiếp tục cập nhật...

Nhóm PV