Thách thức từ môi trường thương mại điện tử
Thông tin này được ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong Thương mại điện tử Việt Nam” cho hơn 200 cán bộ công chức QLTT tại 16 tỉnh thành phố của khu vực miền Trung – Tây Nguyên được tổ chức ngày 22/11 vừa qua.
|
|
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, chống hàng giả trên TMĐT sẽ được toàn lực lượng QLTT đẩy mạnh trong vòng 3 đến 5 năm tới. |
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, chống hàng giả trên thương mại điện tử (TMĐT) là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong dịp cuối năm khi mua sắm của người tiêu dùng vào giai đoạn cao điểm. Nhiệm vụ này sẽ được toàn lực lượng QLTT đẩy mạnh trong vòng 3 đến 5 năm tới. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Công thương mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trên hết là của lực lượng QLTT.
Đặc biệt, TMĐT phát triển bùng nổ đã và đang tạo ra thách thức cho các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Người dân từ tận Hà Giang vẫn hằng ngày livestream bán hàng đi cả nước và ngược lại. Chưa kể, đây là mạng xã hội xuyên biên giới, cho nên, các hành vi vi phạm đã vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hơn nữa, thực tế, vẫn còn tâm lý “ngại” xử lý đối với các vụ vi phạm TMĐT ngay tại lực lượng cơ sở, bởi mất thời gian và dễ bị khiếu kiện vì người bán có thể xóa bỏ, thay đổi nội dung, chứng cứ một cách nhanh chóng.
Đáng chú ý, đặc trưng riêng của TMĐT là có bên thứ ba, là các công ty chuyển phát, khác hẳn với thương mại truyền thống nên theo quy định, xe chuyển phát đã kẹp chì không được mở niêm phong. Thế nên dù có xác định được phương tiện chở hàng cấm, hàng lậu, hàng giả cũng khó xử lý ngay. Nhiều vụ việc lực lượng QLTT buộc phải theo xe chuyển phát đến sân bưu cục mới ập vào kiểm tra.
"99% các công ty chuyển phát giờ đây đang sống bằng vận chuyển, mua bán online, chỉ 1% thư tín. Mà có 60% doanh nghiệp bán hàng là ở nước ngoài, vận chuyển cũng từ nước ngoài luôn nên rất khó xử lý" ông Trần Hữu Linh cho hay.
Còn theo Thiếu tá Trần Vũ Minh Hải, Phòng 4, Cục A05, Bộ Công an, trên không gian mạng đang xuất nhiều nhiều đối tượng bán hàng giả (hàng fake) của các thương hiệu lớn như LV, Gucci, Montblanc… với các mặt hàng hàng giả chủ yếu như túi, ví, dây lưng, đồng hồ, quần áo, sản phẩm thời trang, mỹ phẩm… có nguồn sản xuất tại Trung Quốc được nhập lậu về Việt Nam và rao bán trên không gian mạng.
Các đối tượng bán hàng thường vận chuyển hàng hóa vi phạm qua xe khách liên tỉnh, giao hàng tiết kiệm, Grab… không ghi địa chỉ người gửi; khai báo không đúng hàng hóa gửi để "qua mặt" lực lượng chức năng.
|
|
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn vi phạm. |
Chung quan điểm, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho rằng, thủ đoạn kinh doanh hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi. Ví dụ, các đối tượng chỉ chạy một link bán hàng trên 50 fanpage khác nhau để kinh doanh, mỗi page chỉ cần bán vài đơn hàng là họ khóa trang, xóa dấu vết nên ngoài các giải pháp kỹ thuật, cần sự phối hợp của các đơn vị chức năng có liên quan.
Theo các chuyên gia tại Hội nghị, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm nguồn gốc, xuất xứ đã đang và sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối, thách thức đối với các cơ quan chức năng, ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng. Hàng giả hiện diện khắp mọi nơi, xuất hiện từ đời thực đến mạng ảo, từ phân bón, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm... đến cả thức ăn hằng ngày cũng bị giả. Tuy nhiên, những vụ việc phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế đời sống xã hội và vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
|
|
Tổng cục QLTT tổ chức trưng bày hàng giả, hàng nhái nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao nhận biết. |
Siết chặt quản lý, ngăn chặn hàng hóa vi phạm
Nguyên nhân khiến hàng giả, hàng nhái còn tồn tại là do bất cập trong cấp phép, quản lý các quy chuẩn hợp quy; có nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai chịu trách nhiệm chính; công tác phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Ngoài ra, lợi nhuận từ hàng gian, hàng giả rất lớn, trong khi đó, biện pháp chế tài chưa đủ mạnh, chồng chéo. Về phía người tiêu dùng khi mua phải sản phẩm giả cũng ngại kiện cáo do nắm chưa vững luật pháp...
Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm trên không gian mạng là nhiệm vụ khó khăn nên cần sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ trung ương tới QLTT các địa phương để kịp thời xử lý các sự cố, các vụ việc vi phạm. Mặt khác, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và con người để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống hàng giả trên TMĐT. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc thanh, kiểm tra, kiểm soát hoạt động lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đối với lực lượng QLTT, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, lực lượng QLTT đang thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, lực lượng QLTT ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Tập trung xây dựng lực lượng QLTT tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7. Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, cần nâng cao trách nhiệm của các sàn TMĐT, trang mạng xã hội trong việc sàng lọc, ngăn chặn, phòng ngừa đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm; Tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu đã được bảo hộ nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc giải quyết khiếu nại, thẩm tra, xác minh và giám định hàng hóa vi phạm. Tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan.
Ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm.
Đồng thời, bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.
|