Hiện nay, việc cải cách các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) mới chỉ là hình thức như: Gộp nhiều ĐKKD thành, thay đổi cách viết, bổ sung thêm một vài từ so với trước, bãi bỏ những thứ mà nó không thay đổi bản chất. Theo ông, thay đổi thực chất các ĐKKD mới chỉ được 1/3 và trong số 1/3 thay đổi thực chất thì nó chủ yếu là thay đổi về thời gian, số lượng hồ sơ, thời gian cấp phép, về yêu cầu tài sản, chất lượng nhân sự… Như vậy, tính về thay đổi thực chất là chưa đạt yêu cầu, cho nên năm tới đây cắt giảm ĐKKD phải tiếp tục không thể dừng lại.
|
|
Theo ông Nguyễn Đình Cung, việc cắt giảm ĐKKD mới chỉ ở hình thức là chủ yếu ( ảnh: T.D) |
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương tại Hội thảo đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị diễn ra mới đây cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về cắt giảm ĐKKD nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, điển hình là Nghị quyết 01/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã nêu rõ: Cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về ĐKKD đầu tư, trong đó tập trung cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.
Tương tự như Nghị quyết 19/2018/NQ-CP cũng yêu cầu rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh: đối với các Bộ đã rà soát, có quyết định bãi bỏ các ĐKKD đầu tư, kinh doanh cụ thể thì hoàn thành việc xây dựng Nghị đinh sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan, trình Chính phủ ban hành trong Quý III/2018, đối với các bộ chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát thì phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trước tháng 6/2018 và hoàn thành nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó bãi bỏ các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết trình Chính phủ trong Quý III/2018.
|
|
Cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các ĐKKD phải làm liên tục, nhất quán mới có kết quả (ảnh: T.D) |
Theo ông Hiếu, có 13 loại ĐKKD cơ bản có 5 nguy cơ tác động bất lợi cho doanh nghiệp đó là: rủi ro, gia tăng chi phí, hạn chế sáng tạo, hạn chế cạnh tranh và tác động bất lợi doanh nghiệp nhỏ và vừa… Điều đáng nói quá trình nghiên cứu đã phát hiện có một số ĐKKD mới với chất lượng kém. Cụ thể như như Nghị định 49/2018/NĐ-CP, tại Điều 4 quy định về Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với tổ chức trong nước là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đã gây khó khăn trong thực thi và tuân thủ ĐKKD sau khi được bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thông tin thêm về kết quả khảo sát tại 4 Bộ Thông tin & truyền thông, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn hóa TT&DL, Bộ Xây dựng cho thấy, trung bình khoảng hơn 30% số ĐKKD đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, song rào cản về ĐKKD vẫn còn khá phổ biến. Đáng nói, ĐKKD sửa đổi còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp, rồi hồ sơ nhiều hơn so với quy định cũ, nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu và tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp.
Dẫn chứng cho điều này đó là khoản 2, Điều 49 quy định về chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng quy định “Hạng I: Đã trực tiếp giám sát thi công phần việc liên quan đến nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất một công trình cấp I hoặc 2 công trình cấp II cùng loại”. Nhưng khi sửa đổi bổ sung thì điều kiện đối với Hạng I là: “Đã làm giám sát trưởng hoặc chỉ huy trưởng công trường hoặc chủ trì thiết kế xây dựng phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của ít nhất 01 công trình cấp I trở lên hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên cùng loại với công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề”.
Là một chuyên gia kinh tế, dưới góc nhìn của mình, TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ, ông được biết số ĐKKD thực tế lên đến hơn 7.000 do có nhiều điều kiện biến báo và bày tỏ sự lo ngại nếu không cải thiện được thì có nguy cơ sản phẩm nước ngoài tràn vào thì sản phẩm trong nước khó mà cạnh tranh được do những bất cập, vướng mắc từ các thủ tục, ĐKKD tạo ra.
Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam thì đánh giá, Chính phủ đã có nhiều bước tiến quan trọng trong việc cắt giảm các thủ tục, ĐKKD nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thế nhưng, hiện nay nhiều ĐKKD mà nhà nước vẫn phải “nhảy vào” để thẩm định trong quá trình cấp phép cho doanh nghiệp. “Nhiều chứng chỉ quy định phải do nhà nước cấp là không có ý nghĩa. Tại sao không phát huy vai trò của các hiệp hội, nhà nước chỉ nên đóng vai trò giám sát”- ông Tuấn nêu quan điểm.
Đồng thời, ông cũng kiến nghị cần xây dựng quy trình về kiểm soát việc ban hành văn bản mới. Hiện nay vẫn là các đơn vị cấp phép ban hành cho nên bằng cách này hoặc cách khác đã lồng ghép thêm quyền hạn của mình. Do đó, nên trao quyền ban hành các văn bản cho một đơn vị độc lập để giảm việc “cài cắm” trong các quy định. Và nên quy định, đơn vị nào được quyền cấp phép thì không được soạn thảo các quy định cấp phép.
Minh Nhật