(BVPL) - Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương vừa qua, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương thống nhất cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá tiêu dùng tăng thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 0,6% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất trong 15 năm qua.

 


Cụ thể, kinh tế tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị do thời tiết kém thuận lợi, nhu cầu và giá giảm. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm (giảm 3,5% so với năm 2014) và nhập siêu của khu vực này tăng cao (nhập siêu 20,23 tỷ USD). Một số Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện còn chậm, chưa quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 (2015). Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra, chỉ đạt gần 90% kế hoạch…


Do đó, tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh đến 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn cần thực hiện trong năm 2016 và 5 năm tới.

Theo đó, về nhiệm vụ phát triển kinh tế, cần tiếp tục đảm bảo và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thực hiện thường xuyên và liên tục, không được chủ quan, lơ là và thỏa mãn trước những kết quả đã đạt được; các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng và trái cơ cấu nông nghiệp. Tái cơ cấu đầu tư công phải gắn liền với bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia, bảo đảm đầu tư công được hiệu quả hơn. Tái cơ cấu doanh nghiệp không chỉ ở cổ phần hóa, rút vốn vốn đầu tư ngoài ngành mà còn ở nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Trong tái cơ cấu doanh nghiệp, cần hết sức lưu ý, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa đến việc tổ chức, sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh. Các các bộ, ngành, địa phương cũng cần sớm phê duyệt việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp nhằm đảm bảo 2 yêu cầu là nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp và kiểm soát tốt biên chế.

Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng nữa là cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
 

Huyền Trang

.