Trình 4 lần vẫn chưa được duyệt
Theo TS. Nguyễn Đình Cung- Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (NCQLKTTW), liên quan đến Luật Giao thông đường bộ 2008 có 3 Nghị định đó là Nghị định 91/2009, Nghị định 93/2012 và Nghị định 86/2014. Có thể nói, Luật đến nay vẫn giữ nguyên nhưng các Nghị định hướng dẫn thì lại được sửa đổi là như thế nào, có hay không sự tùy ý trong hướng dẫn của các Nghị định?..
Ông Cung đưa ra quan điểm và cho rằng, khi chưa giải quyết được vấn đề hiện tại thì những vấn đề mới là cái thay thế cái cũ dù muốn hay không sẽ có sự mâu thuẫn, xung đột. Ví dụ như Uber hay Grab chỉ là một hiện tượng của một xu thế không phải bản chất của nó và dù muốn hay không nó vẫn tồn tại, quan trọng là làm sao các doanh nghiệp công nghệ phải làm thế nào để phát triển chứ không phải là cấm nó, muốn cạnh tranh với họ thì phải làm mới.
|
|
LS Trương Thanh Đức: Điều cấp bách bây giờ là sửa Luật Giao thông đường bộ (ảnh T.D) |
Dưới góc nhìn của mình, LS Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico cho rằng những thay đổi trong Dự thảo không phải đổi mới mà mới chỉ là sửa chữa sai lầm, vô lý, cản trở phát triển. Vì vậy, Dự thảo này đã trình Chính phủ tới 4 lần và chuẩn bị là lần thứ 5, tức là soạn đi soạn lại, trình lên, trình xuống vẫn không đạt yêu cầu. “Điều cấp bách bây giờ là sửa Luật Giao thông đường bộ vì đã ban hành được 10 năm, trong đó có những cái đang bị vô hiệu hóa như bên nhận thế chấp xe được quyền giữ giấy chứng nhận đăng ký xe, trái với quy định của Luật”- LS Trương Thanh Đức nói.
Đại diện Công ty TNHH Thành Bưởi thì bày tỏ, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP còn rất nhiều nội dung chưa phù hợp, bất cập, cấm đoán hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Dự thảo thay thế không đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh mà còn làm tăng thêm điều kiện kinh doanh rất vô lý, không giải quyết và đề cập đến những bất cập, khó khăn của doanh nghiệp.
|
|
Đại diện DN Thành Bưởi cho rằng, Dự thảo Nghị định còn rất nhiều bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp (ảnh: T.D) |
Ông đưa ra dẫn chứng: tại điểm đ, khoản 1 Điều 7 và điểm đ, khoản 2, Điều 8 của Nghị định là bất hợp lý vì quy định “Trong thời gian một tháng, mỗi xe không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau”. Ông cho rằng, các quy định này sự cấm đoán, gây khó khăn cho doanh nghiệp, hạn chế quyền tự do kinh doanh và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Hơn nữa, nó làm tăng chi phí cho DN. Đồng thời, đại diện DN đưa ra ví dụ cho quy định bất hợp lý này: DN có 1 xe ô tô chạy hợp đồng với 1 DN khác hàng tháng đưa khách từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Vũng Tàu khoảng 15 chuyến/tháng, nay với quy định này thì DN phải mua thêm xe và tìm thêm khách hàng để đảm bảo quy định xe không chạy quá 30% tổng số chuyến của xe trong 1 tháng có cùng điểm khởi hành và kết thúc hoặc DN phải phá sản!
Điều kiện kinh doanh theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT?...
Là đơn vị nghiên cứu về Nghị định này, bà Nguyễn Minh Thảo- Trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) thông tin kết quả so sánh Nghị định 86/2014 và dự thảo Nghị định 86 (dự thảo ngày 31/7/2018) nhìn từ góc độ điều kiện kinh doanh thì thấy có 12 điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, song lại có tới 85 điều kiện được bổ sung, trong đó tổng số điều kiện bổ sung là 64 và có 21 điều kiện kinh doanh được quy định “ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT”!..
|
|
Chuyên gia Ngô Trí Long: cần loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết tạo gánh nặng chi phí cho DN (ảnh: T.D) |
Còn chuyên gia kinh tế PGS. TS Ngô Trí Long- nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường, giá cả thì kiến nghị cần phải đổi mới quan niệm về mô hình kinh doanh, thừa nhận thế mạnh của các đơn vị công nghệ thông tin là phát triển công nghệ phần mềm hiện đại để xử lý hệ thống dữ liệu lớn (big data)… Tuy nhiên, tại khoản 4, Điều 16 của Dự thảo lại cho rằng DN công nghệ sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải, nếu như phần mềm của họ giúp cho việc điều hành vận tải và định giá. Quy định này không những làm biến đổi bản chất hoạt động của đơn vị cung cấp phần mềm mà còn triệt tiêu phần lớn những ưu điểm mà các dịch vụ kết nối mang lại, biến nó trở thành đơn thuần một kênh liên lạc thông thường. Điều này là cản trở sự sáng tạo, hơn nữa là tiền lệ nguy hiểm trong bối cảnh Chính phủ đang ra sức thúc đẩy, khuyến khích phát triển nền kinh tế 4.0...
Từ những nhận định đó, ông cho rằng cần loại bỏ các điều kiện, thủ tục không cần thiết tạo gánh nặng và phát sinh chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Bởi trong xu thế xây dựng chính phủ kiến tạo, cần phải tôn trọng quyền tự quyết của DN. “Khi đưa ra bất kỳ một điều kiện hay yêu cầu nào hạn chế quyền tự chủ của DN cần phải xác định rõ mục tiêu quản lý, để làm gì, có tác dụng gì và tác dụng đó có bù đắp được chi phí của xã hội hay không?”- ông bày tỏ.
Thanh Dịu