So với các lỗi vi phạm về nồng độ cồn, không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, biển báo…, hành vi điều khiển phương tiện quá tốc độ quy định là vi phạm phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nặng nề.
 
 
Trung tá Trần Trọng Thủy, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, cho hay trong hơn 7,7 ngàn trường hợp bị phát hiện vi phạm tốc độ, lực lượng cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt hơn 6 ngàn trường hợp với số tiền trên 4 tỷ đồng. Trong số đó, số vụ vi phạm ở các tuyến quốc lộ, đường nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất.
 
Trung tá Thủy cho biết thêm, lực lượng chức năng đang gặp khó khăn trong việc xử lý lỗi tốc độ. Bởi theo Quy chuẩn 41/2016, các biển báo hạn chế tốc độ, biển báo khu dân cư theo quy định phải được lắp đặt nhắc lại ở các giao lộ tiếp theo, nhưng hiện nay nhiều nơi chưa trển khai đồng bộ. Công an tỉnh đã có kiến nghị các cơ quan quản lý đường bộ cần phải rà soát, lắp đặt biển báo hiệu đường bộ trên quốc lộ và cả đường địa phương theo quy chuẩn mới.
 
Ngoài việc đồng bộ biển báo về tốc độ nhằm tạo thuận lợi cho cả người điều khiển phương tiện và lực lượng kiểm soát giao thông, để hạn chế tai nạn xảy ra, Bộ Giao thông - vận tải cũng cần quy định tốc độ riêng cho từng loại phương tiện.
 
Theo đó, hạn chế tăng tốc độ trong khu vực đông dân cư với ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, ô tô tải có trọng tải 3,5 tấn trở lên, ô tô sơ mi rơ-moóc, ô tô kéo rơ moóc, ô tô kéo xe khác, ô tô chuyên dùng.
 
Trong một số trường hợp vốn là nơi phức tạp, “điểm đen” về tai nạn giao thông thì căn cứ vào kết quả khảo sát và thống nhất của các ngành chức năng có thể đặt biển hạn chế tốc độ thấp hơn 50km/giờ. Việc quy định tốc độ tối đa cũng cần phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong để quy định cho phù hợp.
 
Theo Thanh Hải (Báo Đồng Nai)
.