Nhiều công trình mới hoạt động đã “đắp chiếu”

Ông Phạm Ngọc Bình – Phó giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 168 công trình cấp nước tập trung với tổng vốn đầu tư khoảng gần 400 tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Trong đó, có 41 công trình hoạt động bền vững (chiếm 24,4%); 56 công trình hoạt động trung bình (chiếm 33,33%); 20 công trình hoạt động kém hiệu quả (chiếm 11,9%); 51 công trình ngừng hoạt động (chiếm 30,36%). Trong số các công trình ngừng hoạt động thì có 20 công trình đã bị hư hỏng nặng không có khả năng phục hồi tập trung tại các huyện: Buôn Đôn, Buôn Hồ, Ea H’leo, Ea Súp, Krông Ana, Krông Bông, M’Đrắk và TP.Buôn Ma Thuột.

leftcenterrightdel
Nhiều công trình cấp nước tập trung tại xã Hoà Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã bỏ hoang nhiều năm nay. 

Tại TP.Buôn Ma Thuột, ông Nguyễn Đức Thuận – Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, (TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, xã hiện có 7 công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, có tới 5 công trình đắp chiếu nhiều năm nay, trong khi nhu cầu dùng nước của người dân là cấp thiết.

Theo ông Thuận, khi các công trình này mới hoạt động, nước sạch đảm bảo cho cộng đồng dân cư. Các thôn buôn cắt cử người đi học để vận hành, nhưng chỉ được 1 thời gian ngắn, do không có kinh phí. Máy móc, đường ống hư hỏng, không có tiền trả điện tiêu thụ… khiến cho nhiều công trình nước bị bỏ hoang.

Tương tự, tại xã Krông Jing (huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) cũng có 2 công trình cấp nước tập trung tại buôn M'Găm và buôn Suốt được đầu tư xây dựng năm 2012 nhưng đến nay vẫn “đắp chiếu”. Trong đó, công trình cấp nước tại buôn M’Găm thực hiện nhằm cấp nước sinh hoạt cho khoảng 60 hộ dân của buôn.

Tuy nhiên, hiện nay công trình đã ngừng hoạt động do có một số hộ dân không nộp tiền điện để bơm nước. Bên cạnh đó, máy bơm và một số hệ thống ống nước lâu ngày không sử dụng đã bị hư hỏng, nguồn điện đã bị cúp.

“Do bà con trong buôn M’Găm không chịu đóng tiền để bơm nước nên ban tự quản buôn đã bỏ tiền ra nhưng chỉ được một hai lần thì không còn kinh phí nữa” – ông Y Tăng Niê – Chủ tịch UBND xã Krông Jing cho hay.

Riêng công trình cấp nước tại buôn Suốt chưa thể đưa vào hoạt động, cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân sinh sống trong buôn do đường ống dẫn nước từ công trình đến các hộ dân chưa có.

Theo ông Y Tăng Niê, thời gian qua xã đã đề xuất lên cấp trên xin kinh phí để khắc phục, hoàn thiện hai công trình cấp nước nói trên. Đồng thời, vào giữa năm 2018, đoàn của huyện cũng đã về khảo sát, xem xét hai công trình cấp nước này. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có kết quả gì.

Công trình… không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng?

Dẫn đến thực trạng nói trên, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cho hay, đa số các công trình hư hỏng và hoạt động kém hiệu quả chủ yếu là các công trình có quy mô nhỏ dưới 100 hộ, được đầu tư xây dựng cách đây hơn 10 năm nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt cho những điểm dân có điều kiện kinh tế khó khăn.

Bên cạnh đó, công trình sau khi đầu tư xây dựng không có đơn vị quản lý, vận hành hoặc UBND xã đại diện đứng ra tiếp nhận công trình nhưng không có một đơn vị, tổ chức cụ thể nào trực tiếp vận hành hoặc giao về cho các trưởng thôn tự quản lý, vận hành.

Không chỉ vậy, phần lớn các công trình này không có cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm, nguồn thu không đủ chi phí nhân công… nên công tác duy tu bảo dưỡng không có kinh phí thực hiện, làm cho công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.

Mặt khác, các thông tin giáo dục, truyền thông chưa được coi trọng. Cụ thể, một số công trình triển khai đầu tư không có sự tham gia của người dân vùng hưởng lợi, dẫn đến công trình đưa vào vận hành, người dân không sử dụng nước hoặc số người sử dụng rất hạn chế.

Công trình không phát huy được hiệu quả đầu tư, nguồn thu không đủ chi phí nhân công, hóa chất nên công tác duy tu, bảo dưỡng không có kinh phí thực hiện làm cho công trình nhanh xuống cấp, hư hỏng.  Ngoài ra, giá tiêu thụ nước sạch trên địa bàn vùng nông thôn hiện rất thấp, cơ bản chưa đủ duy trì sản xuất nên không có kinh phí để duy tu bảo dưỡng, sữa chữa định kỳ.

Trước tình trạng trên, từ năm 2014, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản phê duyệt đề án phục hồi, sữa chữa, nâng cao hiệu quả các công trình cấp nước đã xuống cấp. Đồng thời, phân cấp quản lý vận hành và khai thác sử dụng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn…

Được biết, trong năm 2017 và 2018, đã chuyển giao 9 công trình cấp nước tập trung do UBND các huyện đầu tư và quản lý vận hành cho Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đến nay, 9 công trình này đã được chuyển giao và hoạt động bền vững. Đối với 20 công trình cấp nước ngừng hoạt động không thể khắc phục, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có kế hoạch lập các thủ tục để đưa vào thanh lý theo quy định. Đề xuất xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân có liên quan để công trình hư hỏng, ngừng hoạt động, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Vào cuối tháng 1/2019 UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo đánh giá về tình hình sử dụng, quản lý và khai thác của 168 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Nội dung báo cáo cho rằng, muốn các công trình này hoạt động hiệu quả, đòi hỏi phải có bộ máy quản lý, vận hành, cần rất nhiều chi phí, Bên cạnh đó, người dân khu vực nông thôn có thu nhập thấp việc chi trả của người dân còn hạn chế…

Để thực hiện mục tiêu nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho hơn 90% người dân khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa, những khu vực nghèo, khó khăn về nguồn nước. UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương ngoài việc bố trí nguồn vốn để đầu tư cải tạo, xây dựng mới các công trình cấp nước cần xem xét bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện đối với công tác thông tin, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức trong việc sử dụng nước sạch; thời gian tới cần xây dựng Nghị định về quản lý khai thác và vận hành các công trình cấp nước tập trung nông thôn. Các quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật để xây dựng định mức chi phí quản lý, vận hành các công trình cấp nước nông thôn.

Chính Cương