Liên quan đến vụ việc bị can Chu Ngọc Hải (SN 1984) cán bộ tín dụng Ngân hàng Agribank - Chi nhánh huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk (viết tắt là Ngân hàng Nông nghiệp huyện Krông Bông) lập khống 562 bộ hồ sơ, rút chiếm đoạt hơn 114 tỷ đồng, vừa bị cơ quan chức năng truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Tham ô tài sản”, đã kéo theo hàng loạt cán bộ cùng nhiều lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp huyện Krông Bông “dính" vào vòng lao lý, bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

leftcenterrightdel
Ông Ngô Quốc Vinh - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Krông Bông bị cơ quan Công an bắt tạm giam ngay sau đó để phục vụ điều tra. 

Ngô Quốc Vinh là Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp huyện Krông Bông (từ tháng 8/2008 - 5/2017) đã có hành vi cố ý đưa ra chủ trương trái với quy định của Ngân hàng Agribank Việt Nam. Vinh biết chủ trương cho phép cán bộ tín dụng được thực hiện giải ngân, thu nợ của khách hàng và quản lý hồ sơ vay vốn là sai quy trình theo quy định của Ngân hàng Agribank Việt Nam nhưng vẫn chỉ đạo cho nhân viên thực hiện.

Đối với User “KRBNVINH” và thẻ ETOKEN được cấp cho Vinh để quản lý hoạt động của các nhân viên và phê duyệt giải ngân trên hệ thống IPCAS, nhưng ông Vinh không quản lý và sử dụng mà giao cho Nguyễn Thị Hiền (Trưởng phòng tín dụng) quản lý và sử dụng.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, các nhân viên tại Ngân hàng Nông nghiệp Krông Bông ghi mật khẩu của User và thẻ ETOKEN ra giấy và để trên bàn làm việc để cùng sử dụng chung. Tuy nhiên, ông Vinh không ngăn cản việc này mà đồng ý để cho các nhân viên thực hiện và mật khẩu của Vinh được Hiền ghi ra giấy để trên bàn làm việc cùng với mật khẩu của Hiền để các nhân viên đăng nhập vào phê duyệt đơn vay vốn. Điều này dẫn đến, mật khẩu User và thẻ ETOKEN của Vinh bị lộ và Hải (cán bộ tín dụng) đã lợi dụng việc này đăng nhập vào để phê duyệt đơn vay vốn đối với các bộ hồ sơ do Hải lập khống.

Đối với chứng từ giải ngân, các bộ phận của Ngân hàng Nông nghiệp Krông Bông để đến cuối ngày mới ký hợp thức hóa chứng từ. Ngoài ra, có nhiều lần Hải trình cho Vinh ký bổ sung vào tờ trình thế chấp/cầm cố tài sản đảm bảo và giấy lĩnh tiền vay với lý do là ký thiếu hoặc thông tin khách hàng bị sai nên ký lại. Thế nhưng, ông Vinh vẫn ký mà không yêu cầu đưa hồ sơ để kiểm tra, dẫn đến Hải lợi dụng việc này để lập khống hồ sơ chiếm đoạt tiền của ngân hàng.

Đến ngày 24/2/2017, ông Vinh phát hiện ra Hải lập khống hồ sơ chiếm đoạt tiền của ngân hàng, Tuy nhiên, Ngô Quốc Vinh không báo cáo sự việc với cấp có thẩm quyền để đình chỉ công tác của Hải, mà vẫn để cho Hải tiếp tục công tác để khắc phục hậu quả. Do đó, Hải đã lợi dụng việc này chiếm đoạt tiền của khách hàng vay vốn khi khách hàng đến ngân hàng đóng tiền lãi và tiền gốc. Với những vi phạm của Ngô Quốc Vinh nêu trên, Hải đã lợi dụng để lập khống 562 bộ hồ sơ chiếm đoạt hơn 114 tỷ đồng.

Trần Thị Bích Hồng - Phó Giám đốc (từ tháng 9/2001 - 7/2015), biết chủ trương cho phép cán bộ tín dụng được thực hiện giải ngân, thu nợ và quản lý hồ sơ vay vốn của Vinh là sai quy trình. Tuy nhiên, Hồng không có ý kiến gì và không báo cáo với cấp có thẩm quyền mà vẫn đồng ý để thực hiện theo quy trình được Vinh chỉ đạo.

Với vai trò là Phó giám đốc phụ trách kế toán, trưởng ban kho quỹ, nhưng để xảy ra việc cán bộ tín dụng được nhận tiền mặt tại kho quỹ và tiếp quỹ khi chưa có sự phê duyệt của Trưởng phòng kế toán - Kiểm soát viên; phê duyệt chứng từ giải ngân mà không có hồ sơ vay vốn và tài sản thế chấp bảo đảm, các thủ tục tiếp quỹ, giải ngân để đến cuối ngày mới tập hợp lại để ký phê duyệt hợp thức hóa chứng từ; khi giải ngân tiền vay mà chưa làm thủ tục nhập kho tài sản thế chấp; không tổ chức kiểm tra, đối chiếu kho quỹ dẫn đến nhiều hồ sơ do Hải lập khống không có tài sản thế chấp đảm bảo trong một thời gian dài nhưng không phát hiện ra; tài sản thế chấp đảm bảo nhiều ngày không nhập kho nhưng không cho kiểm tra đối chiếu, dẫn đến tại kho quỹ có nhiều hồ sơ vay vốn không có tài sản thế chấp nhưng không biết.

Khi các nhân viên chuyển công tác hoặc thay đổi nhiệm vụ bàn giao kho quỹ thì chỉ kiểm đếm tiền mặt, ấn chỉ còn tài sản thế chấp thì không kiểm tra giao nhận mà chỉ ký biên bản để hợp thức hóa. Theo nhiệm vụ được phân công thì Hồng chỉ ký hạn mức giải ngân đến 50 triệu đồng, nhưng trong những bộ hồ sơ do Hải lập khống thì Hồng đều ký vượt trên hạn mức.

Trong 562 bộ hồ sơ chứng từ do Hải lập khống, Hồng ký phê duyệt 53 bộ hồ sơ, với tổng số tiền giải ngân là hơn 7,8 tỷ đồng. Như vậy, những vi phạm của Hồng dẫn đến Hải lợi dụng quy trình sai này chiếm đoạt tổng số tiền hơn 4,7 tỷ đồng.

Tô Đắc Hải - Phó Giám đốc (từ tháng 9/2015 - 5/2017) cũng vi phạm như bị can Hồng, trong 562 bộ hồ sơ chứng từ do Chu Ngọc Hải lập khống, Tô Đắc Hải đã ký phê duyệt 25 bộ hồ sơ với tổng số tiền giải ngân hơn 4 tỷ đồng, dẫn đến Chu Ngọc Hải chiếm đoạt tổng số tiền trên 3,7 tỷ đồng.

Lê Thị Hồng Loan -Trưởng phòng kế toán - tài chính (từ tháng 10/2013 - 5/2017), thành viên ban quản lý kho quỹ nhưng không kiểm soát hoạt động thu chi tiền mặt, thế chấp tài sản đảm bảo trên hệ thống IPCAS và thực tế tại bộ phận kế toán theo đúng quy định...

Từ tháng 5/2015 - 2/2017, Loan đã để cho thủ quỹ tiếp quỹ cho Hải tổng cộng 320 lượt, với tổng số tiền hơn 175 tỷ đồng và ký duyệt chứng từ giải ngân cho 562 bộ hồ sơ do Hải lập khống với tổng số tiền giải ngân hơn 127 tỷ đồng.

Nguyễn Thị Hiền - Trưởng phòng tín dụng (từ tháng 10/2013 - 5/2017) có chức năng phê duyệt đơn xin vay vốn. Hiền biết rõ việc phê duyệt đơn xin vay vốn trên IPCAS là khâu quan trọng, biết rõ quy trình về bảo mật mật khẩu, nhưng đã để cho cán bộ tín dụng không có chức năng, nhiệm vụ ngồi vào máy tính của mình để đăng nhập vào phê duyệt đơn xin vay vốn trong 562 bộ hồ sơ do Hải lập khống.  

Chính Cương