leftcenterrightdel
 Các doanh nghiệp bất động sản đăng ký mới tăng hơn so với cùng kỳ 2023.

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong Quý II/2024, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường; cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng, sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, lãi suất USD thế giới neo ở mức cao, rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu...

Kinh tế vĩ mô trong nước cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê thì 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%. Lĩnh vực bất động sản cũng đã có những chuyển biến tích cực, một phần do việc đẩy mạnh thực hiện đầu tư công đã có tác động, thúc đẩy hoạt động đến các doanh nghiệp, và lãi suất ngân hàng giảm đã làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường bất động sản trong quý vẫn tiềm ẩn rủi ro, việc tiếp cận nguồn vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tuy có phục hồi nhưng còn chậm...

Theo số liệu báo cáo thì tình hình hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có sự cải thiện hơn khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 2.210 doanh nghiệp (tăng 1,4%), số lượng các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 1.577 doanh nghiệp, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi còn chậm, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án, theo đó, pháp lý, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.

Thời gian gần đây, thị trường cho thấy có một số dấu hiệu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có những chiến lược phát triển quỹ đất để chuẩn bị cho thời điểm phục hồi của ngành bất động sản.Theo đó, doanh nghiệp nghiêm túc và tính toán kỹ hơn về phương án, tìm hiểu thị trường để làm sao các dự án đất sạch hoàn chỉnh về mặt pháp lý, nộp đầy đủ tiền sử dụng đất và có thể đưa vào khai thác trong các năm tới. Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê văn phòng và nghỉ cũng hướng đến các quỹ đất phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của mình trong thời gian tới.

Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam vẫn là khu vực quan tâm và hấp thụ lượng lớn nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các chuyên gia cho rằng, lý do thu hút FDI vào Việt Nam vẫn rất triển vọng là nhờ tỷ suất lợi nhuận khi đầu tư tại Việt Nam vẫn đang hấp dẫn. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.

Đáng chú ý, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục duy trì ở vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 2,87 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó ghi nhận tốc độ “hút” vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của bất động sản tăng tới 78% so với cùng kỳ.

Hoài Thu