Khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh, sẽ có nguy cơ xuất hiện một vòng xoáy tăng giá mới...
Chị Nga cho biết: “Theo tôi, xăng lên thì cái gì cũng lên, mặt hàng gì cũng lên. Các mặt hàng tiêu dung sẽ tăng giá. Trước chỉ đi chợ 100.000 đồng đủ cho 1 ngày, giờ từng đấy không đủ. Chỉ có người tiêu dùng là vất vả, giá cả thì tăng trong khi kiếm thì khó”.
Theo một số tiểu thương, so với các năm trước mặt bằng giá hiện nay đã tăng từ 1,5 – 2 lần. Mặt hàng tăng nhiều nhất là thực phẩm, thịt lợn… Trước đây, thịt lợn chỉ 40.000 – 50.000 đồng/kg, nhưng nay đã lên đến 110.000 – 115.000 đồng/kg; cá, hải sản tăng lên khoảng 30%; Rau sạch cũng tăng gần gấp đôi; đường từ 13.000 – 14.000 đồng nhưng giờ đã 22.000 đồng/kg...
Chị Trần Thị Thêm, tiểu thương ở chợ Hôm – Đức Viên, quận Hai Bà Trưng cho biết, thông thường sau mỗi đợt tăng giá xăng dầu, điện…thì không lâu sau, thực phẩm, hàng hóa cũng leo lên mặt bằng giá mới.
Chị Thêm cho rằng: “Khi giá mặt hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến giá thực phẩm. Giá chúng tôi mua vào đắt lên, giá bán ra sẽ phải tăng. Chắc chắn chỉ vài ngày nữa sẽ tác động đến giá thực phẩm. Thịt sẽ tăng giá đắt hơn bây giờ, vì đầu mua vào đắt lên. Hiện giá móc thịt hàm ổn định là 57.000 đồng/kg, nhưng khi tăng lên, chúng tôi cũng phải bán tăng”.
Theo Tổng Cục thống kê, hiện sức mua đang chậm và đã giảm một nửa so với các năm trước. Tốc độ lưu chuyển hàng hóa (trừ yếu tố giá) chỉ còn 6% trong khi các năm trước là 11-12%. Trong khi đó xăng, điện, gas, liên tục tăng giá, kéo giá cả hàng hóa tăng theo.
Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, khi sức mua hạn chế, giá cả tăng sẽ khiến tồn kho hàng hóa càng tăng lên. Đây là nguy cơ dẫn đến tình trạng sản xuất và lưu thông hàng hóa đình trệ, gây sự bất ổn cho nền kinh tế.
Mặt khác, ông Vũ Vinh Phú cũng dự báo chỉ số tiêu dùng của tháng 8 này có thể sẽ không còn âm như 2 tháng trước, mà tăng từ 0,5% - 1%, nguy cơ lạm phát trở lại. Điều này càng rõ nét hơn khi hiện nay nhiều vùng biển có đến 30% tàu thuyền không hoạt động vì lỗ do giá xăng dầu tăng, hàng nghìn trang trại, người nuôi bỏ chuồng do thức ăn tăng giá...
Tình trạng này có thể dẫn đến thiếu nguồn cung hàng hóa vào dịp cuối năm. Do đó, trong lúc này cần phải điều hành giá cả thận trọng và đảm bảo cung cầu hàng hóa ổn định.
Theo ông Phú, hiện có hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhưng quản lý cần lựa chọn có trọng tâm với mặt hàng thiết yếu là đầu vào của xã hội như: hàng thực phẩm, xăng, dầu, than, nước sạch và thuốc chữa bệnh… Với các mặt hàng khác cần phải thúc đẩy sản xuất, lưu thông thị trường. Với xăng dầu, điện, nước Nhà nước cần tạo cơ chế cho nhiều doanh nghiệp tham gia để tạo ra thị trường cạnh tranh.
“Các doanh nghiệp sẽ trình giá thành và có hội đồng thẩm duyệt, quyết định mức giá phù hợp. Với các mặt hàng sản xuất, phải kiểm soát từ gốc, công bố công khai phương thức kiểm soát và giá bán. Quan trọng là phải làm nghiêm túc và minh bạch”- ông Phú nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, trước mắt việc tăng giá xăng dầu chưa tác động ngay và mạnh đến chỉ số giá tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh hai tháng qua đều âm. Tuy nhiên, việc tăng giá đồng loạt các mặt hàng thiết yếu sẽ làm giảm sức mua mà hiện tại đang rất yếu. Từ đó dẫn đến việc khó đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay./.
Theo Minh Hà/VOV-TTTin