Chiều 6/4, Thành ủy Hà Nội phát đi thông báo Bí thư Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố, Quận ủy Ba Đình chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm (nếu có) tại công trình số 61 Trần Phú.

Kết quả kiểm điểm phải báo cáo về Thường trực Thành ủy trước ngày 15/4.

leftcenterrightdel
Nhiều người tiếc nuối khi phá dỡ công trình gần 100 năm tuổi thay vào một dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố, các sở, ngành của Thành phố theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương có văn bản yêu cầu chủ đầu tư tạm dừng thi công công trình tại số 61 Trần Phú (quận Ba Đình); đồng thời, tổ chức kiểm tra quy trình, thủ tục triển khai dự án nêu trên.

Kết quả thực hiện yêu cầu này phải được báo cáo về Thường trực Thành ủy Hà Nội trước ngày 8/4/2022.

leftcenterrightdel
 Công trình Pháp cổ chỉ còn lại dãy nhà quay ra mặt phố Nguyễn Thái Học. 

Quyết định dừng thi công đối với công trình gần 100 tuổi tại 61 Trần Phú (quận Ba Đình) được đưa ra khi công trình có kiến trúc công nghiệp đẹp, nguyên bản nhất ở thủ đô, sắp bị phá dỡ hoàn toàn.

Hiện công trình trăm năm tuổi hiếm hoi, nguyên vẹn còn sót lại của Hà Nội nay đã bị phá dỡ gần hết, chỉ còn dãy nhà giáp đường Nguyễn Thái Học.

Tại công trình này, có một bức phù điêu ghi lại dấu ấn dân quân tự vệ bắn rơi máy bay Mỹ ngày 19/5/1967 khiến nhiều người yêu Hà Nội không khỏi xót xa, nếu bị phá dỡ.

leftcenterrightdel
 Đơn vị thi công đã che chắn công trình cổ để chuẩn bị phá dỡ. 
leftcenterrightdel
Nhà xưởng Pháp cổ tại 61 Trần Phú do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef) quản lý, sử dụng. 

Không ít chuyên gia, kiến trúc sư cũng bày tỏ lo ngại trước việc một công trình thế kỷ bị phá bỏ thay vào đó là công trình thay thế (gồm 11 tầng nổi, 6 tầng hầm) với chức năng tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp có thể sẽ phá vỡ cảnh quan kiến trúc của khu Trung tâm chính trị Ba Đình.

Về khu đất số 61 Trần Phú có vị trí vô cùng đắc địa 4 mặt phố gồm: Trần Phú, Lê Trực, Hùng Vương và Nguyễn Thái Học, do Công ty Cổ phần Thiết bị bưu điện (Postef) quản lý, sử dụng.

Nhà máy này được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20.

leftcenterrightdel
 Một mặt cổng của công trình.

Theo thông tin từ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khu đất trên rộng hơn 9.000 m2, trong đó 1.555 m2 nằm trong chỉ giới đỏ, không được xây dựng công trình; 7.520 m2 nằm ngoài chỉ giới đỏ, sử dụng làm văn phòng làm việc với thời gian thuê đất 50 năm, tính từ năm  2017.

Trên khu đất có các công trình cao 2 tầng, trước đây là trụ sở và nhà máy sản xuất của Postef. Công trình này không nằm trong danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá.

leftcenterrightdel
 Nhiều dãy nhà xưởng cổ tại số 61 Trần Phú đã bị phá dỡ không thương tiếc. 
leftcenterrightdel
 Phối cảnh dự án mới thay thế công trình cổ trăm tuổi. 

Cũng theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, khu đất số 61 Trần Phú thuộc khu vực phục vụ chung cho khu Trung tâm Chính trị Ba Đình.

Khu này có định hướng di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm, xây dựng thành khu tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp; khai thác tối đa không gian ngầm phục vụ thương mại, dịch vụ. Công trình chỉ được cao tối đa 11 tầng, mật độ xây dựng 50%.

Sở đã chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình đa chức năng tại số 61 Trần Phú gồm: tổ hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn cao cấp, kèm theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc cụ thể: Mật độ xây dựng khoảng 50%; 11 tầng nổi, tum thang kỹ thuật và 6 tầng hầm; tổng diện tích sản khoảng 32.300 m2, tổng diện tích sàn tầng hầm khoảng 43.020 m2; chiều cao công trình 42,9 m.

Hồng Vân - Vũ Phương