Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng năm 2022, việc triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình và giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; việc triển khai các công trình giao thông quan trọng quốc gia diễn ra hôm nay (5/4).
|
|
Thủ tướng đã yêu cầu tập trung thực hiện các giải pháp để phát triển kinh tế- xã hội. Ảnh:VGP |
Kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, khởi sắc rất tích cực
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá, tình hình quý I có những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước tác động mạnh tới việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Nội tại nền kinh tế cũng có những hạn chế, yếu kém tồn đọng, kéo dài, những vấn đề phát sinh mới như tội phạm liên quan tới kinh tế, nhất là liên quan đến đất đai, môi trường, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, buôn lậu xăng dầu qua biên giới…
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, giám sát, phối hợp của Quốc hội; sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các cấp chính quyền; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến, khởi sắc rất tích cực.
Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, Việt Nam đạt độ bao phủ vắc xin rất cao, các biện pháp y tế được coi trọng, đẩy mạnh toàn diện, nhờ đó số ca mắc mới, chuyển nặng, tử vong giảm sâu từ cuối tháng 3. Chúng ta đã mở cửa trở lại nền kinh tế, du lịch và tiếp tục mở cửa trường học an toàn.
Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát dù sức ép rất lớn, thị trường tiền tệ, lãi suất ổn định trong khi xu thế thế giới là tăng lãi suất. Điều này cho thấy quyết tâm lãnh đạo chỉ đạo, điều hành hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi, phát triển kinh tế.
Cùng với đó, các cân đối lớn được bảo đảm và có dư (thu ngân sách đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi rất nhanh).
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt kết quả tích cực với 562,2 nghìn tỉ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỉ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay.
Thương mại, dịch vụ phục hồi tích cực, đặc biệt sôi động trong tháng 3, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 4,4% so với cùng kỳ, trong đó, tháng 3 tăng 9,4%. Chuỗi cung ứng hàng hóa trong và ngoài nước dần phục hồi. Khách quốc tế đạt gần 91.000 lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ…
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả toàn diện, đồng bộ ở các địa phương là rất đáng trân trọng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Đây là cơ sở để chúng ta có khí thế hơn, tự tin hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhằm đạt kết quả tốt hơn thời gian tới, phát huy mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Song, Thủ tướng cũng cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Áp lực lạm phát tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư công chậm. Nợ xấu có nguy cơ tăng. Thị trường bất động sản, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro. Số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động tăng…
Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà các bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai thực hiện trong quý II, đó là tập trung, quyết liệt triển khai chương trình phòng chống dịch COVID-19, chương trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; nếu không hoàn thành thì kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện điều chuyển vốn theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới; chú trọng thanh tra, kiểm tra, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, đầu cơ, tăng giá, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hóa đơn điện tử.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế, của các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, tiếp tục xử lý, cơ cấu lại các doanh nghiệp, dự án, tổ chức tín dụng yếu kém. Đẩy mạnh tốc độ phục hồi trong các lĩnh vực, nhất là du lịch trong tình hình mới, bảo đảm an toàn, hiệu quả, thuận lợi cho du khách.
Đẩy mạnh kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện cam kết tại COP26. Thủ tướng lưu ý, nhiệm vụ hoàn thành quy hoạch điện VIII, một số văn bản pháp lý liên quan tới định danh và xác thực điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan trung ương bảo đảm cung cầu lao động. Đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tham gia góp ý các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, quy hoạch quốc gia và vùng được lấy ý kiến.
Nắm sát tình hình, tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là, ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu..., rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.
Ngoài ra, cần làm tốt công tác giải phòng mặt bằng đối với các dự án giao thông trọng điểm nhằm giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch, khai thác và quản lý các mỏ nguyên vật liệu, xử lý kịp thời, phù hợp vấn đề giá nguyên vật liệu. Chủ động phối hợp với các cơ quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề liên quan tới chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương tập trung cho công tác lập quy hoạch theo Luật Quy hoạch. “Quy hoạch phải đi trước một bước, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, còn đầu tư có thể phân kỳ theo nguồn lực từng giai đoạn. Có quy hoạch tốt thì mới có đề án, dự án tốt; có đề án, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt; có nhà đầu tư tốt thì mới có sản phẩm tốt.”- Thủ tướng nhấn mạnh.