UBND tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024. Đồng chí Trần Lưu Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều lãnh đạo Bộ, Ngành trung ương dự hội nghị. Đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Ủy viên ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cùng tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Lưu Quang – Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Quảng Nam là một trong các tỉnh nằm trong khu vực có tính đa dạng sinh học cao trên cả nước. Địa phương được bao phủ bởi các sinh cảnh rừng rất đa dạng, là địa phương còn diện tích rừng nhiều nhất ở Trung Trường Sơn và rất nhiều loài quý hiếm, đặc hữu mang tầm quốc tế sinh sống, phát triển.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của phát triển kinh tế - xã hội, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng sinh học của tỉnh. Vì vậy, Quảng Nam phải ý thức sâu sắc thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa phát triển kinh tế vừa đi đôi với đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế.
Thực tế, trong những năm qua, Quảng Nam luôn tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, hài hòa giữa môi trường và phát triển. Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang đề nghị, thời gian tới tỉnh Quảng Nam cần có những bước đi cụ thể hơn trong công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.
Chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế; phát triển kinh tế với tư duy kinh tế xanh, hài hòa với tự nhiên, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp nhằm giảm thiểu chất thải phát sinh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.
|
|
Phó Thủ tướng - Trần Lưu Quang trao Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. |
Để Quảng Nam phát triển theo đúng tầm nhìn và định hướng trong quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp.
Một là: Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.
Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp; tập trung vào những ngành như du lịch, công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics, cảng biển, tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối. Tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục hồi đa dạng sinh học tầm quốc tế, quốc gia đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của các cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, người dân nhằm cụ thể hóa việc phát triển bền vững, phát triển xanh, hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường theo định hướng của quy hoạch tỉnh; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học.
Và xa hơn cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển; tăng cường liên kết vùng, liên vùng theo quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Hai là: công bố công khai, rộng rãi quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi quy hoạch tỉnh. Lựa chọn đầu tư phát triển các công trình có điểm nhấn, dự án có ý nghĩa lan tỏa để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội. Các nguồn lực được tạo ra từ quy hoạch như giá trị đất đai, tài nguyên thiên nhiên,… cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội, chia sẻ hài hòa giữa các địa phương và nhà nước, người dân, doanh nghiệp để mang lại lợi ích tổng thể cho phát triển.
|
|
Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Lưu Quang phát biểu. |
Ba là: Nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên quan trọng nhất cho Quảng Nam phát triển là con người và động lực phát triển mạnh mẽ nhất đó là nhân tài. Nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh. Do vậy, cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo; thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh, vườn ươm doanh nghiệp.
Bốn là: Tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở định hướng của quy hoạch tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, đô thị, các công trình công cộng theo hướng xanh và thông minh. Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn, tu bổ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh nhà và của dân tộc.
Năm là: Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo,...
Sáu là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bảy là: tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong, lề lối làm việc. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
|
|
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng – Phó Viện trưởng VKSND tối cao (người ngồi giữa) cùng dự hội nghị. |
Về địa phương, phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, quy hoạch tỉnh Quảng Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ. Để thực hiện tốt việc quy hoạch này đòi hỏi phải có sự đoàn kết, nỗ lực và ý chí quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Trung ương, sự phối hợp tốt của các địa phương bạn, sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.
“Việc công bố quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng để các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; các nhà đầu tư, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân biết được các nội dung cơ bản, cốt lõi của quy hoạch, nhằm thống nhất cao về nhận thức và hành động để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch này, tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới để tỉnh Quảng Nam cất cánh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, động lực phát triển của khu vực miền Trung và cả nước”, đồng chí Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.