Ngày 26/1/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà vừa ký phê duyệt quy hoạch chung đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Trong quyết định phê duyệt quy hoạch có phạm vi, quy mô, thời hạn lập quy hoạch; tính chất; nguyên tắc; mục tiêu, tầm nhìn quy hoạch; quy mô và chỉ tiêu phát triển đô thị; mô hình, cấu trúc không gian đô thị.
Trong đó, với mô hình, cấu trúc không gian đô thị, Thừa Thiên Huế xác định gồm một hệ thống di sản, hai không gian sinh thái cảnh quan, ba trọng điểm phát triển đô thị, ba hành lang kinh tế và bốn vùng quản lý phát triển.
|
|
Mục tiêu từ nay đến năm 2025,Thừa Thiên Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương. |
Thừa Thiên Huế xác định phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên Huế gồm “Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Trong đó, một hệ thống di sản gồm các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; các di sản khảo cổ học; các di sản chiến tranh cách mạng nổi bật là di sản gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; các di sản đô thị, đô thị cổ và làng cổ, nhà vườn, các không gian văn hóa lễ hội đặc trưng...
Hai không gian sinh thái cảnh quan gồm không gian sinh thái đồi, núi phía Tây tỉnh từ Bạch Mã đến Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và không gian đầm phá Tam Giang - Cầu Hai kết hợp với vùng ven biển. Liên kết không gian ven biển và không gian đồi núi qua các hành lang cảnh quan chính của sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, hệ thống sông địa phương.
|
|
Hành lang cảnh quan chính của sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, hệ thống sông địa phương là một trong hai không gian sinh thái cảnh quan của Thừa Thiên Huế. |
Ba hành lang kinh tế gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1, cao tốc đường bộ và đường sắt Bắc - Nam. Hành lang kinh tế Đông - Tây với hệ thống cảng biển gắn với các cửa khẩu qua đường Hồ Chí Minh, các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F). Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy các liên kết về không gian nội vùng với tỉnh Quảng Trị và TP Đà Nẵng qua hệ thống đường ven biển, quốc lộ 49B, đường sắt tốc độ cao.
Ba trọng điểm phát triển đô thị gồm: Khu vực đô thị trung tâm gồm TP Huế hiện hữu và vùng mở rộng phía Hương Thủy, Hương Trà. Đô thị cửa ngõ phía Nam tại Chân Mây. Và Đô thị cửa ngõ phía Bắc tại Phong Điền. Các đô thị khác được gắn kết trong các vùng sinh thái với hệ thống hạ tầng đô thị hoàn chỉnh.
Bốn vùng quản lý phát triển được xác định là: Vùng không gian đô thị trung tâm, bao gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thuỷ, quận Hương Trà (Phân vùng A). Vùng không gian phía Nam, bao gồm đô thị Chân Mây, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc - Nam Đông (Phân vùng B) . Vùng không gian phía Bắc, bao gồm đô thị Phong Điền và huyện Quảng Điền (Phân vùng C). và Vùng không gian phía Tây là huyện A Lưới (Phân vùng D).
Trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thừa Thiên Huế đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Địa phương sẽ xây dựng 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận.
|
|
Đến năm 2025, TP Huế hiện hữu sẽ được chia thành 2 quận là quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương. |
Đáng chú ý là theo quy hoạch TP Huế hiện hữu sẽ được chia thành hai quận là quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương. Xây dựng 3 thị xã gồm thị xã Hương Thủy hiện hữu, thị xã Hương Trà hiện hữu và thị xã Phong Điền thành lập mới. Xây dựng 4 huyện gồm huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Trong đó thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Để sớm đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung xây dựng các chương trình, đề án, ưu tiên đầu tư cho mạng lưới hạ tầng quy mô lớn mang tính liên huyện, liên tỉnh, kết nối các hành lang kinh tế, mạng lưới giao thông vùng, khu vực, quốc tế.
Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh để xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát huy lợi thế đô thị ven biển; gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước, ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
|