Xây dựng Đà Nẵng trở thành TP biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á

Cuối năm 2023, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế là hai địa phương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch là nền móng định hướng cho sự phát triển của hai địa phương này.

Mùng 1 Tết Giáp Thìn 2024, sân bay Đà Nẵng đón 125 chuyến bay nội địa và quốc tế với khoảng 17.000 lượt khách. Trong đó có 53 chuyến quốc tế với khoảng 7.500 khách. Cùng ngày, TP Đà Nẵng cũng đón chuyến tàu biển quốc tế đầu tiên cập cảng Tiên Sa với hơn 1.800 du khách Trung Quốc.

Theo đó, TP Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch, Đà Nẵng được định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước; trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do.

leftcenterrightdel
 Những du khách quốc tế đến TP Đà Nẵng trong ngày Mùng 1 tết Giáp Thìn 2024.

Để thực hiện mục tiêu đó, TP Đà Nẵng sẽ triển khai 7 nhiệm vụ trọng tâm, gồm tái cơ cấu và xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi thích nghi và phù hợp với giai đoạn phát triển mới, thu hút nguồn lực, điều chỉnh cơ cấu đầu tư phù hợp, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tạo nền tảng nâng cao tính tự chủ và khả năng chống chịu với các tác động từ bên ngoài.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột trong thời kỳ mới của nền kinh tế Đà Nẵng. Phát huy nội lực và lợi thế vị trí địa lý để phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch và dịch vụ vận tải, kho bãi; đến năm 2030, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm du lịch, vận tải và logistics, cảng biển của cả nước.

Tập trung phát triển TP Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực, hình thành Khu phi thuế quan, khu thương mại tự do, phát triển dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục - đào tạo chất lượng cao.

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Quy hoạch phát triển đô thị dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và nguyên tắc phát triển của một đô thị hiện đại. Đảm bảo sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nước, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
 Phê duyệt quy hoạch xác định xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. 

Các khâu đột phá phát triển của Đà Nẵng được xác định là đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và chuyển đổi số toàn diện là nhân tố đóng góp chủ yếu cho nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phát huy vai trò của các thành phần kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại.

Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tận dụng và phát huy cơ hội của xu thế phát triển khu vực và quốc tế, sự dịch chuyển các luồng đầu tư, làn sóng đầu tư theo hướng có lợi cho Việt Nam và thành phố. Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị. Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố văn hóa, con người làm nền tảng cho phát triển bền vững.

Về tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng TP Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế; là Trung tâm du lịch quốc tế gắn với Trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á. 

Thừa Thiên Huế sẽ là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam

Về mục tiêu phát triển tổng quát trong quyết định phê duyệt quy hoạch, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam. Là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

leftcenterrightdel
 Thừa Thiên Huế phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.

Là một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần người dân đạt mức cao.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, xanh, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững. Là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước. Thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và Châu Á. Là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.

Để làm được điều đó, Thừa Thiên Huế cũng xác định các nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá phát triển. Các nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trung tâm của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung và cả nước về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ…

Về các khâu đột phá phát triển, địa phương xác định phát triển hệ thống đô thị di sản kết hợp đô thị hiện đại, thông minh trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Phát huy lợi thế đô thị ven biển gắn với vị thế 4 trung tâm của vùng và cả nước với quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao về kinh tế, thích ứng với biển đổi khí hậu.

leftcenterrightdel
 Thừa Thiên Huế bắn pháo hoa chào mừng năm mới Giáp Thìn 2024.

Thừa Thiên Huế xác định phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên Huế gồm “Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xuân Nha