leftcenterrightdel
Kết luận của Bộ Y tế về Trường Đại học Y Hà Nội 

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế đã lập đoàn thanh tra xác minh vụ việc. Có 6 nội dung tố cáo đã được Bộ y tế làm rõ gồm: vi phạm Luật quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng, Luật Xây dựng; sai phạm trong quản lý môi trường; công trình xây dựng 2 tòa nhà liền kề hai đầu hồi nhà A5; công trình xây mới giảng đường 6 tầng bên cạnh giảng đường Hồ Đắc Di chạy dọc theo đầu nhà B1, B2, B3; công trình cải tạo nhà A2, Bệnh viện Đại học Y; công trình xây mới tòa nhà bệnh viện A2B, phía sau nhà A2.

Ngày 28/11/2018, Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký kết luận 1310/KL-BYT về những vấn đề này. Theo đó, trong 6 nội dung tố cáo thì có 4 nội dung được kết luận là không có cơ sở và có 2 nội dung tố cáo không đúng.

Đối với công trình xây dựng 2 tòa nhà liên kề hai đầu hồi nhà A5, Bộ Y tế cho biết: Qua xác minh, Trường ĐHYHN lập 3 dự án xây dựng, cải tạo 2 đơn nguyên (3 báo cáo Kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng) trình cấp quyết định đầu tư là Bộ Y tế phê duyệt với tổng kinh phí được duyệt cả 3 dự án là hơn 30 tỷ đồng (không phải như đơn tố cáo tổng mức đầu tư 2 tòa nhà là 60 tỷ đồng). Chủ đầu tư đã thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền (Bộ Y tế).

Đối với công trình xây mới giảng đường 6 tầng bên cạnh giảng đường Hồ Đắc Di, Bộ Y tế kết luận: Các công trình xây dựng, cải tạo giảng đường trong phạm vi mặt bằng các nhà B1, B2, B3 là công trình xây dựng cải tạo, nâng cấp, sau khi hoàn thành đã hợp khối liên thông với 3 nhà cũ không phải là công trình xây dựng mới 6 tầng, độc lập, tách rời.

Dự án đầu tư xây dựng cải tạo công trình gồm 10 dự án được lập báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình Bộ Y tế phê duyệt có tổng giá trị là hơn 101 tỷ đồng. Trường ĐHYHN lập 10 dự án chứ không phải “9 gói thầu”; Đơn tố cáo nêu 9 gói thầu gồm: các gói thầu hạng mục xây thô, các gói thầu hạng mục hoàn thiện, các gói thầu hạng mục nội thất, các gói thầu hạng mục mua sắm… là không đúng, thực tế chỉ có 2 loại gói thầu là Xây lắp và Cung cấp lắp đặt nội thất, trang thiết bị công trình, không có gói thầu mua sắm. Bộ Y tế kết luận, nội dung đơn tố cáo ông Tạ Văn Khoái đã chỉ đạo lập thành 9 bộ báo cáo đầu tư (9 gói thầu) là không có cơ sở.   

Cũng theo kết luận của Bộ Y tế, về nội dung tố cáo việc đầu tư sai phạm Luật Xây dựng với tổng mức đầu tư là 45 tỷ đồng đối với công trình cải tạo nhà A2 là không đúng. Thực tế tổng tổng giá trị của 3 dự án là 34,6 tỷ đồng. Về nội dung tố cáo việc tách các gói thầu để cho một đơn vị trúng thầu: Qua xem xét kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ dự thầu của các dự án chưa thấy biểu hiện chia nhỏ các gói thầu để cho một nhà thầu trúng thầu. Vì vậy, nội dung tố cáo này là không có cơ sở.

Trường ĐHYHN đang tiếp tục triển khai xây dựng cải tạo trên mặt bằng nhà khám làm việc 2 tầng sau nhà A2 và hành lang cầu nối nhà A2-B2 với diện tích xây dựng trên 1500m2 trong khuôn viên của trường. Việc xây dựng cải tạo , nâng cấp 2 đơn nguyên với các công trình đã có nhằm hợp khối, phát huy hiệu quả  sử dụng công trình với tổng cộng kinh phí 4 dự án 59,4 tỷ đồng không phải tổng mức đầu tư trên 400 tỷ đồng như nội dung đơn. Trường ĐHYHN lập 4 dự án để trình Bộ Y tế quyết định đầu tư, trường đã tổ chức thực hiện theo quyết định của Bộ Y tế về việc phân kỳ đầu tư cải tạo nâng cấp công trình không chia nhỏ báo cáo đầu tư. Vì thế, Bộ Y tế kết luận nội dung tố cáo này cũng là không có cơ sở. 

Từ những cơ sở của việc xác minh trên, Bộ Y tế yêu cầu Ban giám hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật cho công chức, viên chức, người lao động; thực hiện tốt dân chủ, công khai minh bạch trong các hoạt động của nhà trường. Chỉ đạo các phòng chức năng nghiên cứu tham mưu cho Ban giám hiệu tiếp tục đề nghị UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500. Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư phải đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật.

Lê Sử