(BVPL) - Mới đây, nhiều phụ huynh học sinh Trường tiểu học Phù Đổng (huyện Giá Lâm, Hà Nội) có đơn kiến nghị, phản ánh một số sai phạm xảy ra tại đây. Theo đó, nhà trường lạm thu nhiều khoản so với quy định, tổ chức dạy thêm vào chiều thứ 6 hàng tuần gần một năm nay. Mặc dù học sinh học ngày 2 buổi tại trường và hầu hết nhà học sinh ở gần trường, có thể tự đi về, nhưng nhà trường vẫn tổ chức dạy thêm trong thời gian trông trẻ…
 
Nhiều khoản thu sai quy định
 
Theo đơn phản ánh của phụ huynh học sinh, Sở GD&ĐT TP.Hà Nội mặc dù đã có Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ra ngày 22.11.2013 quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của TP, trong đó quy định chi tiết những khoản thu phục vụ bán trú bao gồm: Tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú (không có khoản thu phí vệ sinh). Tuy nhiên, trong năm học 2015-2016, thay vì trông trẻ từ 15h20p đến 16h35p chiều thứ 6 hàng tuần, Ban Giám hiệu Trường tiểu học Phù Đổng lại thu tiền để dạy thêm, học thêm trái quy định.
 
Bà Vũ Thị Quyên thừa nhận có sự sai xót khi làm việc với PV
Bà Vũ Thị Quyên thừa nhận có sự sai xót khi làm việc với PV
 
“Năm học mới đến, phụ huynh chúng tôi phải lo lắng với bao khoản chi cho con: Tiền sách vở, tiền quần áo đồng phục, hội phí, học phí, tiền ăn, tiền xã hội hóa… Đối với người dân ở quê, đóng thêm một đồng là thêm một vất vả cho gia đình. Vì thế, những khoản thu trái với quy định này vừa là gánh nặng, vừa là nỗi bức xúc của phụ huynh”- ông T.V. D ( xin dấu tên) có con theo học tại Trường tiểu học Phù Đổng chia sẻ.
 
Cũng theo phụ huynh học sinh, Trường tiểu học Phù Đổng có 100% các lớp học 2 buổi/ngày nhưng nhà trường vẫn tổ chức học thêm vào thứ 6 hàng tuần. Điều này không chỉ trái với Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ra ngày 16.5.2012 quy định “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy 2 buổi/ngày” mà còn làm cho học sinh không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Nhiều phụ huynh bức xúc khi nhà trường tổ chức dạy thêm mà không được cấp phép theo quy định. 
 
Biến các lớp trông giữ thành dạy thêm trái quy định
 
Một khoản thu gây bức xúc đối với phụ huynh Trường tiểu học Phù Đổng là phải biến việc thu tiền 300.000 đồng/tháng tiền trông trẻ ngoài giờ thành dạy thêm, học thêm các môn văn hóa.  
 
Theo công văn số 8843/SGD&ĐT-GDTH của Sở GD&ĐT Hà Nội về hướng dẫn quản lý, tổ chức trông giữ ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống đối với học sinh tiểu học quy định: Đối với các trường dạy học 2 buổi/ngày tổ chức các câu lạc bộ trông trẻ trong trường nhằm trông giữ trẻ sau giờ học buổi thứ 2. Ban giám hiệu phân công trách nhiệm từng cá nhân phụ trách hoạt động cụ thể ở từng lớp, nhóm lớp. Lựa chọn nội dung hoạt động dưới hình thức vui chơi gắn với tăng cường về kiến thức, kỹ năng các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, cờ vua, cờ tướng, thể dục thể thao và kỹ năng sống.
 
Trường tiểu học Phù Đổng phớt lờ chỉ đạo cấp trên khi phát hành mẫu đơn đánh máy sẵn cho các bậc cha mẹ sinh học làm đơn xin trông giữ
Trường tiểu học Phù Đổng phớt lờ chỉ đạo cấp trên khi phát hành mẫu đơn đánh máy sẵn cho các bậc cha mẹ sinh học làm đơn xin trông giữ
 
Phụ huynh cho rằng, các con phải học ngày 2 buổi, từ 7h30 đến 16h10 đã quá mệt mỏi nhưng nhà trường lại “bắt các con ở lại chiều thứ 6 từ 15h20p đến 16h35 để thu thêm tiền”. Trông trẻ ngoài giờ nhưng nhà trường không tổ chức câu lạc bộ như quy định mà dạy văn hóa. Các giáo viên thể dục, mỹ thuật, âm nhạc không được tham gia. Hơn nữa, hầu hết nhà học sinh ở ngay trong làng, gần trường, có thể tự đi về, không cần thiết nhà trường phải trông trẻ ngoài giờ.
 
Công văn số 303/GD&ĐT ra ngày 7/10/2015 của Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm  ngoài giờ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống với học sinh tiểu học. Cũng theo Công văn hướng dẫn hoạt động trông giữ ngoài giờ học chính khóa là hoạt động nhằm đáp ứng như cầu gửi con của một số cha mẹ học sinh do không có điều  kiện trông giữ học đón con về nhà đúng giờ tan tầm chính khóa, việc này được thực hiện theo nguyên tắc thỏa thuận và hoàn toàn tự nguyện từ cha mẹ học sinh. Nhà trường chỉ chấp nhận và tổ chức trông giữ cho học sinh do cha mẹ học sinh làm đơn trình bày rõ lý do chính đáng (…đơn do cha mẹ học sinh viết tay, nhà trường tuyệt đối không phát hành mẫu đơn). Hoạt động trông giữ ngoài giờ chính khóa không phải là hình thức tổ chức dạy thêm học thêm. Không được biến các lớp trông giữ thành lớp dạy thêm học thêm các môn văn hóa. 
 
Tuy nhiên, trong năm học 2015-2016, Trường tiểu học Phù Đổng lại biến giờ trông trẻ thành dạy thêm, học thêm các môn văn hóa để thu hàng tỉ đồng trái quy định. 
 
Để rộng đường dư luận, sáng ngày 24/03/2016, PV Báo BVPL đã có buổi làm việc với Ban Giám hiệu trường tiểu học Phù Đổng. Trong buổi làm việc này, PV đề cập tới hai nội dung. Thứ nhất lý do thu tiền tháng 8/2015 đối với 27 lớp học trong tháng hè là gì? Tại sao vào các buổi chiều thứ 6 hàng tuần thay vì trông trẻ từ 15h20p tới 16h35p theo quy định, nhà trường lại biến thành dạy thêm, học thêm trái quy định?
 
Công văn số 8843 cúa Sở GD&ĐT TP. Hà Nội và Công văn số 303 của Phòng GD huyện Gia Lâm quy định về việc trông giữ học sinh
Công văn số 8843 cúa Sở GD&ĐT TP. Hà Nội và Công văn số 303 của Phòng GD huyện Gia Lâm quy định về việc trông giữ học sinh
 
Bà Vũ Thị Quyên Hiệu trưởng trường tiểu học Phù Đổng cho biết: “Nhà trường có 27 lớp (trong đó khối lớp 1 có 6 lớp, lớp 2 có 6 lớp, khối lớp 3, 4, 5 mỗi khối  có 5 lớp) với  tổng số 1.056  học sinh. Về khoản thu hè tháng 8/2015, nhà trường thực hiện theo chỉ đạo của Phòng Giáo dục huyện Gia Lâm. Hàng năm trước ngày tựu trường, nhà trường tổ chức các lớp phụ đạo kiến thức cho các em, rèn luyện kỹ năng sống cho các em. Đối với các học sinh khối lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ từ khi kết thúc mẫu giáo thì nhà trường tổ chức kiểm tra kiến thức và bồi dưỡng cho các em. 
 
Đối với khoản thu 300.000đồng/học sinh thu trông trẻ chiều thứ 6 hàng tuần từ 15h20p đến 16h35p. Bà Vũ Thị Quyên cho rằng, nhà trường chỉ thu 50.000 đồng/học sinh chứ không phải 300.000 đồng như phản ánh. Khi PV yêu cầu cung cấp việc thể hiện phiếu thu 50.000 đồng/học, bà Quyên không thể cung cấp được hóa đơn chứng từ thể hiện việc thu chi. Việc thu 50.000 đồng/học sinh sẽ được chia theo tỉ lệ giáo viên đứng lớp 35.000 đồng còn nhà trường thu 15.000 đồng.  
 
Liên quan tới Công văn số 303/GD&ĐT ra ngày 7/10/2015 của Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm hướng dẫn việc làm đơn của cha mẹ học sinh. Trong đó tuyệt đối không phát hành mẫu đơn có sẵn.Tại sao khối lớp 1 và lớp  2 toàn bộ nội dung đơn của cha mẹ học sinh được phát hành theo mẫu đơn đánh máy sẵn. 
 
Liên quan tới mẫu đơn có sẵn, bà Vũ Thị Quyên đã thừa nhận có sự sai phạm từ việc tiếp nhận mẫu đánh máy có sẵn. Còn mẫu đơn đánh máy sẵn ở đâu ra thì bà không rõ. Cũng theo bà Quyên thì đa phần cha mẹ học sinh của trường là làm nông nên đôi khi giáo viên chủ nhiệm còn hướng dẫn làm đơn hộ…
 
Vì sao các khối lớp 3, lớp 4 và lớp 5 tại sao các đầu đơn xin trông giữ trẻ mặc dù được viết bằng tay sao lại có sự giống nhau tới kinh ngạc. Bà Quyên lý giải rất có thể các bậc cha mẹ học sinh bắt chiếc nhau làm đơn.
 
Cùng ngày PV có buổi làm việc với ông Trần Minh Mạnh, Phó phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Tại buổi làm việc, ông Mạnh lý giải hàng năm trước ngày tựu trường( chuẩn bị cho năm học mới) các trường tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh. Nhất là với các học sinh khối lớp 1 còn nhiều bỡ ngỡ. Hơn nữa, từ năm 2014 xuất phát từ việc trường tiểu học Phù Đồng tan sớm ( chiều thứ 6) nhiều cha mẹ học sinh không đón con kịp nên nhà trường tổ chức trông giữ các em học sinh theo đơn của cha mẹ học sinh và thỏa thuận tự nguyện. Cũng trong buổi làm việc này ông Mạnh khẳng định không có chuyện tổ chức dạy thêm, học thêm vào chiều từ sáu hàng tuần.
 
Theo tính toán với 1.056 học sinh, mỗi năm Trường tiểu học Phù Đổng đã thu sai tiền học thêm, tiền trông trẻ ngoài giờ… lên đến hàng tỉ đồng. Phụ huynh cho rằng, Bộ GD&ĐT đã có thông tư hướng dẫn về việc dạy thêm học thêm, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã có quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của TP; Phòng GD&ĐT huyện Gia Lâm có văn bản hướng dẫn về dạy thêm học thêm và các khoản thu trong các cơ sở công lập, tuy nhiên Trường tiểu học Phù Đổng vẫn cố tình sai phạm.
 
Việc biên giờ trông giữ thành việc dạy thêm, học thêm các môn văn hóa là trái với quy định. Hơn nữa việc lạm thu của Ban Giám hiệu trường tiểu học Phù Đổng khiến nhiều bậc phụ huynh nơi đây bất bình.
 
Dư luận có quyền nghi vấn số tiền hàng tỉ đồng từ việc thu trái quy định đang ở đâu? Ai là người “chống lưng” cho Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng “tác oai tác quái”? Có hay không việc “mắc ngoặc” giữa hiệu trường tiểu học Phù Đổng với lãnh đạo phòng Giáo dục huyện Gia Lâm để tư lợi?
Trước việc làm sai trái của Ban Giám hiệu Trường tiểu học Phù Đổng, đề nghị Thanh tra Sở Giáo dục TP. Hà Nội cùng các ngành chức năng  sớm vào cuộc và có câu trả lời thỏa đáng cho nhiều bậc cha mẹ học sinh./.
 
Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên!
 
Quang Tới
.