Một mảnh đất hai xã cùng quản lý

Theo phản ánh, năm 2006, ông Lê Văn Hòa (địa chỉ thôn Hồng Phong, xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa) được chính quyền huyện Hiệp Hòa cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) với diện tích 210m2 tại thửa đất số 9, tờ bản đồ số 2 thuộc thôn Hồng Phong, xã Thường Thắng. Sau đó, ông Hòa chuyển nhượng cho ông Mười mảnh đất này. Vụ việc xảy ra khi mảnh đất này thực tế lại nằm ở địa giới xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa. Mảnh đất này đang được ông Trần Văn Công (xã Đức Thắng) quản lý, sử dụng. Hồ sơ địa chính tại xã Đức Thắng thể hiện, mảnh đất này thuộc thửa đất số 2 và thửa đất số 564, tờ bản đồ số 46. 

Theo ông Công thì trong mảnh đất rộng 748m2 mà gia đình ông đang sử dụng, một phần là đất nông nghiệp được bố ông mua lại từ một người khác trong xã vào ngày 9/10/1993 (có xác nhận của chính quyền địa phương), một phần là đất vỡ hoang của gia đình. Năm 2003, để tiện cho việc trông nom hoa lợi tăng gia sản xuất và nuôi trồng thủy sản, gia đình ông Công đã xây dựng căn nhà cấp 4 để ở. 

Sau đó, gia đình ông có làm hồ sơ để được cấp sổ đỏ mảnh đất này. Năm 2009, sau khi được Sở TN&MT tỉnh hướng dẫn, UBND xã Đức Thắng đã cử đoàn về đo đạc hiện trạng sử dụng khu đất nhà ông Công. Ông Công cho rằng, tại thời điểm kiểm tra đó, đoàn có thông báo cho gia đình, muốn được cấp sổ đỏ thì gia đình phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở và phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước. Do có giấy tờ chứng minh thời điểm sử dụng đất từ trước 15/10/1993, nên gia đình ông Công cho rằng trường hợp gia đình ông đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ mà không phải nộp tiền sử dụng đất như hướng dẫn của đoàn đo đạc nên hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ của gia đình ông đã bị đình trệ từ thời điểm đó đến nay. “Tuy chưa được cấp sổ đỏ, nhưng nghĩ đất mình đã đủ điều kiện để ở nên gia đình vẫn tiếp tục xây dựng công trình hàng quán để buôn bán kinh doanh”, ông Công cho biết. 

Do được cấp sổ đỏ đúng vị trí nhà ông Công đang ở nên ông Mười đã làm đơn đề nghị xã Đức Thắng giải quyết. Sau nhiều lần hòa giải không thành nên hai bên đã “dắt” nhau ra Tòa án. Đến nay, TAND tỉnh Bắc Giang đã thụ lý và đang giải quyết vụ việc.

leftcenterrightdel
 Đoạn đường tỉnh lộ 296, nơi có giáp ranh giữa hai xã Thường Thắng và Đức Thắng. 

Buông lỏng quản lý!

Trong khi pháp luật về đất đai đã quy định rõ về quy trình cấp GCNQSDĐ (sổ đỏ) phải rõ ràng về mốc giới, không có tranh chấp, địa chỉ rõ ràng… Tuy nhiên, không hiểu lý do gì năm 2006, xã Thường Thắng lại hoàn chỉnh được hồ sơ mà hiện trạng mốc giới ở địa phận xã Đức Thắng?. Điều khó hiểu hơn là, khi thẩm định, phê duyệt để cấp sổ đỏ, UBND huyện Hiệp Hòa vẫn cấp giấy chứng nhận khi biết đây là khu vực giáp ranh giữa hai xã Thường Thắng và Đức Thắng? Dư luận cho rằng, quy trình cấp sổ đỏ ở xã Thường Thắng  đang có vấn đề?.

Để xử lý hậu quả của vụ việc tranh chấp trên, trong một báo cáo vào cuối năm 2017 liên quan tới vụ tranh chấp này, UBND xã Đức Thắng đánh giá: Đây là vụ tranh chấp phức tạp, khó khăn… chính quyền xã Đức Thắng thừa nhận UBND xã gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết vụ việc này và phải cậy nhờ đến cấp huyện.

Khó khăn, theo UBND xã Đức Thắng là do nguồn gốc thửa đất của ông Mười nhận chuyển nhượng lại từ ông Hòa được UBND xã Thường Thắng lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Hiệp Hòa cấp sổ đỏ từ năm 2006. Theo UBND xã Đức Thắng, thông tin trong sổ đỏ thể hiện là thửa đất số 09, tờ bản đồ số 2 nằm ở thôn Hồng Phong, xã Thường Thắng. Nhưng khi đối chiếu hồ sơ địa chính thì khu đất đang tranh chấp giữa gia đình ông Công và ông Mười lại là thửa đất số 02, thửa số 564, tờ bản đồ số 46 thuộc địa giới hành chính của xã Đức Thắng. 

Trả lời PV báo BVPL, ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng phòng TN&MT huyện Hiệp Hòa cho biết: Đây là đoạn giáp ranh giữa hai xã Thường Thắng và Đức Thắng và đang có sự tranh chấp nhau. Theo quy định, đất có sổ đỏ rồi thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp là Tòa án. Tuy nhiên, vụ việc này chúng tôi là thế hệ sau làm sao mà nắm được vì mảnh đất được cấp sổ đỏ từ năm 2006 mà tôi mới về đây từ năm 2016. Còn nói về địa giới hành chính thì ở xã này mà làm thủ tục cấp sổ cho xã kia là sai. Việc này khi cấp Tòa xử lý, nếu sai thì phải thu hồi và cấp lại. Tuy nhiên, muốn cấp thế nào và công nhận ai thì phải chờ Tòa xử. Cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào bản án của Tòa, nếu huyện cấp sai thì phải hủy. 

Cũng trong một văn bản phúc đáp yêu cầu của TAND huyện Hiệp Hòa mới đây, Phòng TN&MT huyện Hiệp Hòa  lại xác nhận: Thửa đất đang có tranh chấp chưa được cấp sổ đỏ, hiện Phòng chưa tiếp nhận thông tin về thửa đất như: Số thửa, số tờ bản đồ, hiện trạng sử dụng… nên chưa có căn cứ khẳng định có phù hợp với quy hoạch đất ở hay không (?). 

Vụ việc phải được xem xét xác định kỹ tại sao lại có việc đất của một xã mà được xã khác làm thủ tục để cấp huyện cấp GCNQSDĐ? Vai trò của Phòng TN&MT ở đâu trong vụ việc này?. Phải chăng, đã có sự buông lỏng quản lý để cấp dưới thực hiện mà không kiểm tra, giám sát?. 

Lê Sử