(BVPL) - Đó là lời phản ánh của ông Đinh Trọng Đài (Xã Liên Phương, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) tới Báo Bảo Vệ Pháp Luật. Ngoài ra, ông còn liên tục gửi đơn “Kêu cứu” về việc thửa đất số 2 (1) tờ bản đồ số 18, diện tích 882m2 của gia đình ông bị chuyển nhượng cho bà bà Hoàng Thị Hà (TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) mà ông không hề hay biết.
Không chuyển nhượng… vẫn mất đất
Theo trình bày của ông Đài, mảnh đất trên được UBND xã Liên Phương chia theo nghị quyết số 03. Đến nay gia đình ông vẫn quản lý và sử dụng diện tích thửa ruộng nói trên và tham gia các khoản đóng góp thuế sử dụng đất, thủy lợi, nông nghiệp cho nhà nước và có phiếu thu, hóa đơn đầy đủ.
|
Ông Đinh Trọng Đài trình bày sự việc với phóng viên |
Trong khi gia đình ông Đài chưa làm bất kỳ các thủ tục liên quan đến việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên cho bất kỳ ai, thì đến ngày
25/9/2013, gia đình ông Đài phát hiện thửa đất đã được chuyển nhượng cho hộ bà Hà.
Bất bình trước sự việc trên, ông Đài đã làm đơn lên UBND xã Liên Phương, UBND thành phố Hưng Yên nhưng vụ việc vẫn “dậm chân tại chỗ” và chưa có cơ quan nào trả lời cho gia đình ông biết tại sao có việc chuyển nhượng này…?
Chưa dừng lại ở đó, khi thửa đất của gia đình ông Đài đang có tranh chấp xảy ra, bà Hà đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Lê Thị Kim Chung (SN: 1976, Trú tại xã Liên Phương, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên).
Ngày 17/11/2014 UBND thành phố Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Lê Kim Chung GCN QSDĐ số CH 00179 – 3529/QĐ – UBND; tại thửa đất số 2 (1), tờ bản đồ số 18, diện tích 882 m2.
Ông Đài cho biết thêm: “Trước khi biết thông tin, thửa đất của mình đã được sang tên cho chị Hà, tôi chưa hề một lần cầm bút ký bất kỳ loại giấy tờ nào liên quan đến nội dung chuyển nhượng thửa đất trên, tôi cũng chưa hề làm việc với UBND xã Liên Phương về việc chuyển nhượng đất cho bà Hà. Vậy UBND thành phố Hưng Yên dựa vào cơ sở nào để cấp quyền chứng nhận đất cho các đối tượng tượng. Gia đình tôi hoang mang lắm, bị cướp trắng trợn thế này còn gì là luật pháp nữa”.
Ông Đài nói thêm: “Khi biết thửa đất của gia đình mình bị chuyển nhượng cho hộ Bà Hà, tôi đã làm đơn lên xã Liên Phương, UBND thành phố Hưng Yên, trong thời gian này, bà Hà đã chuyển nhượng lại cho hộ bà Chung. Như vậy là cơ quan chức năng thành phố Hưng Yên không hề chú trọng đến lời thỉnh cầu của gia đình tôi, khi thửa đất đang bị tranh chấp mà vẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Lỗi là do… đánh máy thiếu
Ông Hà Văn Tiệp – Địa chính xã Liên Phương khẳng định: “Các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải là Phòng tài nguyên môi trường thành phố, sự việc hộ ông Đài lâu lắm rồi tôi không nhớ rõ nữa, chỉ nhớ một lần bà Thuận (vợ ông Đài) và bà Chung đến xã gặp tôi, còn ai gửi đơn đề nghị chuyển nhượng thì tôi không nhớ rõ”. Từ khẳng định của vị địa chính xã có thể thấy rằng, hộ ông Đài chưa hề làm đơn đề nghị chuyển nhượng cho bà Hà tại xã Liên Phương...
Mặt khác, theo tài liệu phóng viên thu thập được, tại báo cáo số 54/BC-TNMT của Phòng Tài Nguyên Môi Trường gửi UBND TP.Hưng Yên về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp do chuyển nhận chuyển nhượng của hộ bà Hoàng Thị Hà tại xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên.
|
Báo cáo của Phòng tài nguyên môi trường về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cho là đánh máy thiếu |
Trong mục 1 của báo cáo, về thủ tục chuyển nhượng từ ông Đinh Trọng Đài và bà Hoàng Thị Hà “thiếu” Hợp đồng chuyển nhượng sử dụng đất của ông Đinh Trọng Đại chuyển nhượng cho hộ bà Hoàng Thị Hà.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành - Phó chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên trả lời một cách mơ hồ: “Phòng chuyên môn báo cáo chỉ là một nội dung để anh kiểm tra thôi, chứ việc này, bên anh phải đối thoại với người dân xem thế nào đã, xem người dân phản ánh đúng hay là sai”…
Còn ông Bùi Văn Cường – Phó Trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường thì né tránh: “Tôi mới chuyển về đây nên chưa rõ lắm về vụ việc này”.
Khi phóng viên hỏi tiếp: “Ông xem trong báo cáo này (báo cáo số 54/BC-TNMT) đã trình bày đúng thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa…?”; và ông đánh giá bản báo cáo này như thế nào?”; ông Cường trả lời: “Có thể là đánh máy thiếu, hoặc sai sót, cái này các em nên trao đổi với anh Tân (trưởng phòng tài nguyên môi trường thì sẽ rõ hơn”.
Ngay tại báo cáo về việc chuyển quyền sử dụng đất từ ông Đài sang bà Hà, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã “bỏ qua” hợp đồng chuyển nhượng đất nhưng vẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Hoàng Thị Hà. Phải chăng đây là “quy trình” cấp Giấy chứng nhận mới do chính Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hưng Yên tự đặt ra?
Nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra? Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường kém chuyên môn hay cố tình làm trái luật để tiếp tay cho hành vi chiếm đoạt tài sản của dân?.
Tại một diễn biến khác, mới đây báo Bảo vệ Pháp luật cũng nhận được đơn của người dân phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên “tố” ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Phòng Tài Nguyên Môi trường thành phố Hưng Yên lập hồ sơ không trung thực để xét duyệt lô đất số 30 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên cho bà Nguyễn Thị Ng. (Thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Điều đặc biệt là tại chính lô đất được cho là cấp sai này, ông Tân đã xây nhà 3 tầng và đang sinh sống ở đó.
Từ những bất minh trong việc chuyển nhượng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo Bảo vệ Pháp luật đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên vào cuộc, thanh tra, điều tra làm rõ. Liệu đây là việc cấp đất trái pháp luật hay là hành vi tiếp tay cho hành vi có dấu hiệu lừa đảo.
Báo Bảo vệ Pháp Luật sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vấn đề này.
Theo luật sư Bùi Hữu Hùng ( đoàn luật sư Hà Nội): Điều 165, bộ luật hình sự quy định về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với nội dung cụ thể như sau:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Quỳnh My