Báo chí đồng hành cùng dân tộc vượt qua mọi khó khăn

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đưa ra định hướng, quan điểm rõ ràng cho báo chí, đó là: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. “Nhân văn” hiểu một cách trực diện, đơn giản là việc báo chí kể những câu chuyện ý nghĩa, truyền cảm hứng, thổi bùng những giá trị tốt đẹp, hoặc tinh tế hơn, là mang đến cho mỗi câu chuyện buồn vui trong cuộc sống một góc nhìn nhân văn, đồng cảm, hướng thiện, giúp hóa giải bế tắc để tiếp tục sống tốt hơn. 

Qua gần 3 năm cả đất nước vượt qua đại dịch COVID-19 và hồi phục nền kinh tế, có thể kể ra nhiều chuyên mục tốt, tuyến bài hay, ý nghĩa, lay động cảm xúc trên báo chí cách mạng. Đầu năm 2022, Báo Sức khỏe và Đời sống thực hiện chuyên đề mang tên “Sự sống hồi sinh” là tuyến nội dung ý nghĩa, đặc sắc, mỗi phóng sự là chân dung những y bác sĩ, là những ghi nhận trực tiếp tại tâm dịch và sự hy sinh to lớn của những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch COVID-19. Báo điện tử Tổ quốc mở riêng chuyên mục “Đạo đức xã hội” với tuyến bài tiêu biểu “Tự hào Việt Nam” vinh danh các nhân vật hết lòng vì cộng đồng. Hàng nghìn bài viết đã được đăng trong tuyến “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” của Báo Tuổi Trẻ TP Hồ Chí Minh. Báo điện tử Vietnamplus và nhiều cơ quan báo chí cũng có thêm cách thức lan tỏa thông điệp tích cực đến công chúng khi đăng tải các sản phẩm báo chí lên nền tảng mạng xã hội, kéo theo nhiều triệu lượt xem.

Chương trình “Nhân vật VietNamNet truyền cảm hứng” (Báo điện tử Vietnamnet) là loạt bài về người tốt, việc tốt đến nay đã duy trì được 3 năm. Mỗi bài báo đều đạt trên 200 ngàn lượt xem. Bài tổng kết, bình chọn nhân vật truyền cảm hứng vào dịp cuối năm của Báo lên đến cả triệu view. 

Đài truyền hình Việt Nam có các chuyên mục, chương trình: Việc tử tế, Cặp lá yêu thương, Trái tim cho em, Hành trình hạnh phúc; Đài tiếng nói Việt Nam có các chương trình Chân dung cuộc sống, Kết nối 54; Đài PTTH Vĩnh Long có chương trình “Chuyện tử tế”; Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh với các chương trình như: “Học Bác hôm nay”, “Những ngôi sao thầm lặng”, “Những câu chuyện đẹp” “HTV tôi kể”, “Nơi yêu thương ở lại”, Mái ấm gia đình Việt (hỗ trợ cho các em nhỏ có cha mẹ, người thân mất trong đại dịch  COVID -19).

Nhiều cơ quan báo, đài khác cũng tích cực truyền cảm hứng về tinh thần quả cảm, hết lòng vì cộng đồng, đất nước; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp làm giàu, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… với rất nhiều ví dụ tiêu biểu, nhiều cách làm hay mà trong phạm vi bài viết này chưa thể ghi nhận một cách đầy đủ, chi tiết.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại một hội nghị.

Vẫn còn tình trạng sao nhãng, vô cảm

Thành tích của báo chí là cơ bản, rất đáng ghi nhận. Nhưng mỗi ngày, mở điện thoại, máy tính ra đọc báo chí điện tử, đập vào mắt chúng ta vẫn là những biểu hiện bất cập, lệch lạc, cẩu thả trong tác nghiệp của một bộ phận phóng viên báo chí, thậm chí của cả một số tòa soạn báo và tạp chí. Vẫn còn nhiều mẩu tin, bài báo thiếu tính nhân văn, quá sa đà chạy theo thị hiếu giật gân để câu khách, câu view mà quên đi giá trị cốt lõi của báo chí. Lấy danh nghĩa giám sát, phản biện, chống tiêu cực, vẫn không ít bài báo, nhà báo nặng về khai thác những vấn đề mặt trái của xã hội, phê phán một cách dễ dãi, tùy tiện, thậm chí nâng quan điểm, đưa tin thiếu kiểm chứng, quy chụp tội danh, kết luận thay các cơ quan có thẩm quyền. Vẫn còn tình trạng sao nhãng, vô cảm, thậm chí là coi thường tuyến đề tài về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến - do quan niệm sai lầm là viết về việc tốt, người tốt sẽ không có khả năng thu hút độc giả.

Thông tin sai lệch, không kiểm chứng có thể khiến một doanh nghiệp lụn bại, hàng trăm, hàng ngàn người lao động mất việc làm, hoặc làm mất danh dự, đảo lộn cuộc sống một con người. Nhiều người trong cuộc và độc giả khi đọc một số bài báo đã phải thốt lên “Tại sao, vì cái gì mà người viết bài lại có thể ác đến như vậy???”.

 Khi báo chí phản ánh cuộc sống với một lăng kính méo mó và với năng lượng tiêu cực, thông tin tiêu cực sẽ trở thành dòng chủ lưu và che lấp đi những mặt tốt đẹp, tích cực của xã hội. Báo chí không được đánh mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh chống cái sai, cái xấu, nhưng phản biện, phê phán nhằm xây dựng, phản biện, phê phán đến đâu thì vừa phải, để độc giả không nhìn xã hội toàn điều bất an, tăm tối. Đây là một việc khó. Việc khó thì cần những con người xuất sắc. Khó nhưng không phải là không làm được, khi báo chí luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, khi có sự đồng lòng, quyết tâm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” của những anh chị em làm báo chân chính và có nghề.

Cần phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận

Nhằm lan tỏa, tạo động lực, động viên, khuyến khích, cổ vũ người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong cả hệ thống chính trị, ngày 9/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1526/QĐ-TTg ban hành Đề án “Tuyên truyền gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2022 - 2025”. Đề án coi báo chí là lực lượng tiên phong, đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện, truyên truyền, nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân tố nổi trội, dẫn đầu trong các phong trào thi đua, gương người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội.

Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan truyền thông chủ lực, các cơ quan báo chí lớn, có sức ảnh hưởng, các cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo niềm tin và ổn định xã hội. 

Báo chí Việt Nam cần kể nhiều câu chuyện, tấm gương truyền năng lượng, cảm hứng tích cực cho người dân và cho doanh nghiệp. Kể chuyện nhiều hơn, phân tích nhiều hơn, với một tâm hồn cảm thông, chia sẻ và một cái đầu bình tĩnh, sáng suốt. Từng cơ quan, từng lãnh đạo báo, đài, từng người làm báo không được xem nhẹ, “tầm thường hóa” vai trò, chức năng, trách nhiệm lan tỏa gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến. Truyền thông về người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến là một sứ mệnh lớn lao của báo chí. Đất nước ta có vô vàn người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhưng đa phần trong số đó chỉ được biết đến trong một nhóm người, một cộng đồng nhỏ. Khi được báo chí phát hiện, khích lệ, tôn vinh, những tấm gương cao quý đó có cơ hội được tỏa sáng, nhân rộng, truyền cảm hứng và động lực.

Báo chí đã đồng hành cùng đất nước trong những lúc khó khăn nhất, đóng góp to lớn sau gần 3 năm phòng, chống dịch và hồi phục nền kinh tế. Chúng ta cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa, trách nhiệm hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Báo chí cần cổ vũ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc. Báo chí phải phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của nhân dân, để người dân thực sự là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển.

 Thời gian qua, Báo Bảo vệ pháp luật đã tích cực phản ánh gương người tốt, việc tốt cả trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân, tập trung ở các chuyên mục như: “Chân dung cán bộ Kiểm sát”; “Bản lĩnh Kiểm sát viên”; “Nhân tố điển hình”; “Vòng tay nhân ái”; “Thi đua yêu nước: Người tốt - Việc tốt”… (báo điện tử). Tính riêng năm 2022, trên cả báo in và báo điện tử Bảo vệ pháp luật đăng tải tổng cộng gần 300 bài viết trên các chuyên mục về gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến.


Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông