Mở đầu phần trả lời, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, ngành Kiểm sát sẽ tiếp thu đầy đủ những ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội trong cả 2 phiên thảo luận buổi sáng và buổi chiều ngày 26/10. Những vấn đề các đại biểu nêu liên quan đến Ngành, đặc biệt là những vấn đề còn có những mặt hạn chế, tồn tại, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác định những nguyên nhân cơ bản để có hướng chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới.
Do thời gian Quốc hội quy định trả lời có hạn (10 phút – PV), Viện trưởng Lê Minh Trí đã dành thời gian tối đa tập trung giải đáp, làm rõ 2 nội dung mà nhiều đại biểu rất quan tâm nhất: Thứ nhất là về vụ việc công ty Thuận Phong (ở tỉnh Đồng Nai) và thứ 2 là ý nghĩa thật sự của các con số thống kê tỉ lệ phần trăm về kết quả công tác của ngành tư pháp nói chung, trong đó có ngành KSND.
|
|
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí |
Chưa có căn cứ vì kết luận giám định chưa đạt yêu cầu
Về vấn đề công ty Thuận Phong, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết: Qua Đoàn liên ngành 389 (Đoàn liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả - PV) của tỉnh Đồng Nai, phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất của Công ty Thuận Phong thì có phát hiện hành vi sang chiết phân bón dạng nước vào các chai thành phẩm có nhãn hiệu ghi nguồn gốc xuất xứ từ Mỹ. Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án.
Trên cơ sở phản ánh của đại biểu thì VKSND tối cao nghiên cứu và thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. VKSND tối cao đã chỉ đạo cho VKSND tỉnh Đồng Nai ra quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án của Công an tỉnh Đồng Nai và sau đó thực hiện quy trình thụ lý, xử lý tin báo tố giác tội phạm.
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết: VKSND tối cao kết luận công ty có dấu hiệu sản xuất, nhập khẩu, buôn bán phân bón giả hay không thì bắt buộc phải có kết quả giám định và kết luận của các cơ quan chức năng. Bởi vì liên quan đến chuyên môn; hành vi thì có nhưng chuyên môn phải được các cơ quan chức năng giám định.
“Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Công Thương giám định và kết luận có phải là phân bón giả hay không? Yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định nhãn hàng hóa của các loại phân bón có giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói hàng hóa và giả mạo tên thương hiệu hay không? Yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định Trung tâm khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ ban hành kết quả kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu, có kết luận là lô hàng đạt chuẩn chất lượng nhập khẩu thì Trung tâm này có chức năng nhiệm vụ này hay không?” – Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết.
|
|
Viện trưởng Lê Minh Trí trao đổi cùng các đại biểu trong thời gian Quốc hội nghỉ giải lao. |
Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, tới giờ này (tới ngày hôm nay, 26/10/2020 – PV) Bộ Công Thương có kết luận giám định của ngành mình. Bộ Nông nghiệp cũng có kết luận giám định nhưng riêng Bộ Khoa học và Công nghệ thì có nhưng không đạt theo yêu cầu. VKSND tối cao đã chỉ đạo VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp những tài liệu còn thiếu theo nhận định tại kết luận giám định của Bộ Khoa học và Công nghệ và ra quyết định trưng cầu Tổ giám định tư pháp của Bộ Khoa học và Công nghệ giám định bổ sung. Ở đây giám định bổ sung yêu cầu về nhãn mác hàng hóa. Ngày 3/4/2020 cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung số 505 trưng cầu giám định theo vụ việc về nhãn hàng hóa.
Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định, khi có kết luận giám định bổ sung này, Viện kiểm sát sẽ xem xét là có cơ sở hay không cơ sở thì mới chỉ đạo tiếp để xử lý việc này, vì hiện nay “điểm rơi” nằm ở Bộ Khoa học và Công nghệ (kết quả giám định của Bộ Khoa học và Công nghệ không đạt theo yêu cầu – PV) và bây giờ phải giám định về mặt nhà nước.
“Xin thưa vụ việc này là Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo rất nhiều lần các bộ, ngành, tới giờ này tôi nhớ không nhầm là đã có hai văn bản của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực chỉ đạo Văn phòng Chính phủ truyền đạt. Bây giờ chúng tôi không thể làm khác được khi kết luận giám định chúng tôi yêu cầu không đạt được thì làm sao căn cứ vào đâu để mà kết luận. Kết luận giám định sắp tới sẽ quyết định xem đánh giá có tội hay không có tội và khởi tố điều tra tiếp hay không” – Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.
Làm rõ bản chất của những con số thống kê
Có đại biểu nêu ý kiến, các con số thống kê về 1 số loại hình tội phạm tăng như các loại tội phạm tham nhũng, ma túy… Về vấn đề này, Viện trưởng Lê Minh Trí đã có những phân tích rất cụ thể, thấu đáo và thuyết phục để làm rõ bản chất của những con số thống kê.
“Về vấn đề tham nhũng, vừa rồi chúng ta làm tốt, dân tin, dân đồng tình ủng hộ thì tốt nhưng đặt ra vấn đề thời gian trước có thể chúng ta làm chưa đạt được yêu cầu nên chúng ta thấy ít. Bây giờ chúng ta làm, quyết tâm chính trị, Đảng yêu cầu làm, mình thấy phát sinh nhiều. Tôi cho rằng cũng không có căn cứ (để đánh giá chính xác là tham nhũng trước đây ít hơn hay bây giờ nhiều hơn – PV), bởi vì nó là tội phạm ẩn, chúng ta làm nhiều thì xuất hiện nhiều vụ án, chúng ta làm không tới hoặc không hết thì ít đi. Đó cũng là một cách đánh giá chứ không phải lúc nào thấy nhiều lên chúng ta hốt hoảng, không phải. Phải đánh giá lại thời gian qua tác động về công tác chống tham nhũng làm cho (số vụ tham nhũng - PV) giảm đi và bắt đầu cân nhắc lại, răn đe tốt hơn. Tại sao một số đại biểu nói là tăng, nhưng tôi nói là không tăng” – Viện trưởng Lê Minh Trí phân tích.
|
|
Toàn cảnh phiên họp của Quốc hội tại Hội trường Diên Hồng chiều ngày 26/10. |
Phân tích thêm về các loại số liệu tổng kết, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, có những lúc chúng ta nói con số phần trăm nhưng lại không nói con số tuyệt đối (số lượng vụ bằng con số cụ thể - PV). Ví dụ, năm trước có một vụ, năm sau có 2 vụ thì mình nói là tăng 200% là chưa phản ánh chính xác sự thật khách quan. “Bây giờ đối với việc chống người thi hành công vụ, đặc biệt chống người thi hành công vụ đối với cơ quan công an tăng lên 260%, nhưng xem lại số lượng nó bao nhiêu vụ để mình còn đánh giá, nếu không sẽ tạo ra một suy nghĩ nó tác động rất lớn, chúng ta không hiểu được con số thật là gì. Tôi đề nghị những con số đánh giá tăng, giảm cũng phải nói được mặt tích cực và mặt không tích cực, nếu không rất khó." – Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.
Các cơ quan tư pháp đã nỗ lực rất lớn
Viện trưởng Lê Minh Trí phân tích thêm, trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua tác động đến toàn đời sống xã hội, trên tất cả các lĩnh vực thì công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng bị ảnh hưởng. Cùng với đó, Hiến pháp 2013 đặt ra vấn đề bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân và nghĩa vụ của công dân rất cao, tạo ra áp lực cho các cơ quan tư pháp.
Trong bối cảnh này chỉ cần giữ được con số bằng năm trước cũng là một nỗ lực phấn đấu, mà bây giờ, mỗi năm đều kéo giảm xuống một mức, tất nhiên không thể giảm hết được như chúng ta muốn, nhưng mỗi năm đều có tiến bộ hơn đó là một nỗ lực phấn đấu của cả ngành tư pháp.
Viện trưởng Lê Minh Trí lấy dẫn chứng: “Trước đây khi công an điều tra là không bắt buộc Viện Kiểm sát phải tham gia 7 hoạt động của cơ quan điều tra, nhưng bây giờ 7 hoạt động trong điều tra là Viện Kiểm sát phải tham dự hết như: thực nghiệm, điều tra, nhận dạng tới khám nghiệm tử thi, đối chất... Tất cả khối lượng công việc mới đó, bây giờ anh em đảm đương được, tôi cho rằng đó là nỗ lực rất lớn của các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan điều tra, có cả Kiểm sát, có cả Tòa án”.
“Nếu bây giờ chúng ta chỉ nhìn con số để nói mà quên là 7 đạo luật tư pháp ra đời khiến các cơ quan tư pháp bị áp lực vô cùng lớn. Nói như thế để thấy rằng, đạt được con số đó là đã nỗ lực để giải quyết được áp lực mới, do yêu cầu mới của luật pháp. Nói theo nghĩa nào đó, con số tuyệt đối sẽ không có trong bất kỳ một lĩnh vực nào hết, có thể được chỗ này thì sẽ mất chỗ kia, đều có tính 2 mặt nhưng chúng ta chọn cái được lớn để chúng ta làm và rõ ràng là chúng ta đang được dân tin, dân đồng tình và ủng hộ, chúng ta sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa” – Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.