BĐBP “chủ trì” hay “phối hợp” đảm bảo an ninh, trật tự ở KVBG?

Trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, về vị trí, chức năng của Bộ đội Biên phòng (Điều 12), có ý kiến đề nghị cân nhắc chức năng “chủ trì, duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở KVBG, cửa khẩu” và xác định rõ vai trò chủ trì, phối hợp để tránh chồng chéo với Luật Công an nhân dân; có ý kiến đề nghị thay từ “chủ trì” bằng từ “phối hợp”.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG là một thể thống nhất, bao gồm BGQG trên bộ, trên biển, trên không và trong lòng đất. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG phải liên hoàn, mang tính tổng thể, gắn liền giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tại KVBG, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ, do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng làm nhiệm vụ nòng cốt, chuyên trách, chủ trì đảm đương nhiệm vụ.

Theo đó, dự thảo Luật quy định BĐBP chỉ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường BGQG trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong các điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở KVBG và cửa khẩu.

Cùng với các nội dung trên, để bảo đảm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, thông báo của Bộ Chính trị, thống nhất với các luật khác có liên quan và kế thừa quy định của Pháp lệnh BĐBP, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “phối hợp với cơ quan, tổ chức” vào sau cụm từ “chủ trì” và sửa lại khoản 2 Điều 12 như dự thảo Luật trình Quốc hội.

Có chồng chéo về nhiệm vụ đối với các lực lượng khác?

Về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng Điều (13), đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung nhiệm vụ của BĐBP cho đầy đủ; có ý kiến đề nghị cần rà soát lại Điều này để tránh chồng chéo với nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, lực lượng khác.

leftcenterrightdel
Ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. 

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung nhiệm vụ “tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về biên phòng” vào cuối khoản 3, vì đây là nhiệm vụ thường xuyên của BĐBP và chỉnh lý lại một số nội dung tại khoản 1 và khoản 2 cho chặt chẽ như trong dự thảo Luật.

Dự thảo Luật là thống nhất với pháp luật hiện hành

Về quyền hạn của Bộ đội Biên phòng (Điều 14), có ý kiến đề nghị thay cụm từ “ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật” tại khoản 2 bằng cụm từ “ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật”, vì không phải tất cả hành vi vi phạm hành chính đều thuộc thẩm quyền xử lý của BĐBP.

UBTVQH thấy rằng, quy định như dự thảo Luật là cần thiết để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ về thẩm quyền, đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối khoản này.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trương Anh Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu (ảnh chụp màn hình).

Có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung “kiểm tra, kiểm soát, xử lý phương tiện khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật ở KVBG, cửa khẩu theo quy định của pháp luật” để tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Hải quan và rà soát, chỉnh lý lại Điều này cho đầy đủ, bảo đảm tính khả thi.

UBTVQH thấy rằng, nội dung dự thảo Luật là thống nhất với pháp luật hiện hành, kế thừa Pháp lệnh BĐBP, không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Hải quan, phù hợp với thực tiễn hoạt động của hai lực lượng này; đồng thời giữa BĐBP và Hải quan đang thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp ở KVBG, cửa khẩu. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật” vào sau cụm từ “bảo vệ BGQG, cửa khẩu” tại khoản 9 cho đầy đủ.

Vũ Cảnh