Kết thúc năm 2018, VKSND TP. Hà Nội tiếp tục được VKSND tối cao đề nghị Chính phủ tặng Cờ thi đua cho đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua ngành Kiểm sát, Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong công tác Nội chính và phòng chống tham nhũng, UBND TP. Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc. Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Giảng, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội xung quanh kết quả nổi bật và những giải pháp đơn vị đã thực hiện trong năm 2018 và thời gian tới.
PV: Thưa ông, những kết quả nổi bật mà ngành Kiểm sát Hà Nội đã đạt được trong năm 2018 là gì?
Ông Nguyễn Duy Giảng: Năm 2018, VKSND TP. Hà Nội tiếp tục thụ lý, giải quyết công việc với số lượng, tính chất, mức độ phức tạp lớn, tăng hơn so với năm 2017 như: tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố tăng 7,1%, án hình sự tăng gần 4%, riêng án hành chính cấp thành phố thụ lý tăng 45,7%, thi hành án dân sự tăng trên 5%... Với nhiều giải pháp quyết liệt, VKSND hai cấp thành phố đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu của Ngành, chỉ tiêu theo các nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, có 76/80 chỉ tiêu đạt và vượt, chiếm tỷ lệ 95%, trong đó có 43/80 chỉ tiêu vượt, chiếm 53,8%, 33/80 chỉ tiêu đạt = 41,3%, nhiều chỉ tiêu cao hơn năm 2017. Không có trường hợp nào CQĐT, VKS hai cấp phải đình chỉ điều tra vì không phạm tội; không có trường hợp nào HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội.
Đặc biệt, năm 2018 VKSND TP.Hà Nội được VKSND tối cao phân công THQCT, KSXX các vụ án nhiều nhất từ trước tới nay (35 vụ/117 bị cáo), trong đó có hàng chục vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, đều đã được giải quyết tốt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thủ đô và đất nước.
|
|
Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội Nguyễn Duy Giảng. |
PV: Theo như ông vừa cho biết thì số lượng các vụ án do VKSND tối cao phân công cho VKSND thành phố THQCT, KSXX nhiều nhất từ trước tới nay (35 vụ/117 bị cáo), trong đó nhiều vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Vậy xin ông cho biết thêm, trong công tác giải quyết án phân công, VKSND thành phố đã có những đổi mới gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Giảng: Nhận thức được tầm quan trọng của việc giải quyết đúng đắn, kịp thời các vụ án do VKSND tối cao phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, nhất là các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, lãnh đạo VKSND thành phố đã chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao và Bộ Công an trong việc phân công, bố trí Kiểm sát viên (KSV) theo sát vụ án từ giai đoạn điều tra, truy tố, phối hợp định hướng điều tra, đánh giá chứng cứ, dự kiến các tình huống, nội dung tranh tụng tại phiên tòa, phối hợp theo dõi, chỉ đạo quá trình xét hỏi, tranh luận của KSV tại phiên tòa; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho KSV của VKSND tối cao và VKSND TP. Hà Nội tham gia giải quyết vụ án; có đánh giá, khen thưởng, động viên kịp thời cho những KSV giải quyết tốt vụ án...
Đặc biệt, một số phiên tòa đã khắc họa được hình ảnh của KSV trong đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng tại phiên tòa, nhất là sự linh hoạt, cầu thị, lắng nghe, khả năng tranh tụng thuyết phục với hàng chục luật sư trong cùng một vụ án. Với sự tích cực, đổi mới và trách nhiệm của Lãnh đạo, KSV tham gia THQCT, KSXX các vụ án được phân công, VKSND thành phố đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn các vụ án, bảo đảm các yêu cầu về pháp luật và chính trị, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang chỉ đạo quyết liệt
PV: Để đạt được những kết quả nổi bật trên, xin ông cho biết, ngành Kiểm sát Hà Nội đã có những đổi mới hay bước đột phá gì?
Ông Nguyễn Duy Giảng: Ngay từ đầu năm, VKSND hai cấp thành phố Hà Nội đã bám sát Chỉ thị công tác năm 2018 của Viện trưởng VKSND tối cao về các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mạnh dạn đề ra và áp dụng các biện pháp, cách làm mới thể hiện ở một số điểm chính sau đây:
Thứ nhất, về công tác tổ chức, cán bộ: Để triển khai có hiệu quả các đạo luật mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Ban cán sự Đảng VKSND thành phố đã rà soát, phân tích, đánh giá khối lượng, tính chất công việc của từng đơn vị để phân bổ lại chỉ tiêu biên chế cho từng đơn vị; thực hiện việc luân chuyển, điều động đối với 51 công chức lãnh đạo quản lý, công chức, KSV nhằm tập trung bố trí lãnh đạo, công chức, KSV làm công tác nghiệp vụ; phối hợp tổ chức 12 lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyên sâu về tranh tụng, hỏi cung, ghi lời khai, kỹ năng điều tra, kỹ năng quản lý, chỉ đạo, điều hành, kỹ năng trong tố tụng dân sự,... với 660 lượt học viên, việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng của VKSND thành phố rất phù hợp với chủ trương được nêu tại Chỉ thị số 28 ngày 18/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Ngành.
Đặc biệt, đơn vị đã ban hành quy chế và thực hiện việc đánh giá hàng tháng đối với công chức, người lao động của VKSND hai cấp, trong đó, hàng tháng, mỗi công chức phải có kế hoạch công tác được lãnh đạo trực tiếp duyệt và thực hiện việc đánh giá tiến độ, hiệu quả, chất lượng công việc trên cơ sở kế hoạch công tác.
Thứ hai, về chuyên môn, nghiệp vụ công tác THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp: VKSND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của BLTTHS năm 2015 trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, kiên quyết không phê chuẩn các trường hợp bắt, giam, giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết (VKS đã ra quyết định không phê chuẩn hoặc hủy bỏ đối với 289 quyết định của CQĐT và đều được CQĐT thực hiện nghiêm túc).
Chủ động rà soát, tổng hợp các tin báo tạm dừng xác minh để hướng dẫn xử lý theo quy định của BLTTHS năm 2015; rà soát các vụ án có khó khăn, vướng mắc, các vụ án hủy để điều tra lại, các vụ án có bị can kêu oan để phân công Lãnh đạo Viện phụ trách các khối tập trung chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết dứt điểm. Tiến hành khảo sát công tác thực hiện Quy chế số 01/2017 tại 5 cơ quan của thành phố: Cục Thuế, Hải quan, Thanh tra, Quản lý thị trường, Kiểm lâm, nhằm tăng cường hơn nữa vai trò, vị trí của VKSND trong công tác kiểm sát cũng như nắm bắt thông tin về tình hình vi phạm, tội phạm trong các lĩnh vực thuế, hải quan, thị trường, chống bỏ lọt tội phạm.
Chỉ đạo các đơn vị chủ động, phân công KSV tích cực tham gia vào các hoạt động tố tụng dân sự, hành chính, thi hành án dân sự, hình sự, tạm giữ, tạm giam, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như: tăng cường trực tiếp kiểm sát, yêu cầu xác minh, trực tiếp xác minh, tích cực tổng hợp kiến nghị vi phạm, kiến nghị phòng ngừa, vì vậy, chất lượng kháng nghị, kiến nghị của VKSND hai cấp đã được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ kháng nghị hình sự được chấp nhận đạt 93,1%, kháng nghị dân sự, hành chính đạt 100%, đã ban hành 414 văn bản kiến nghị các loại, 42 văn bản kiến nghị các cơ quan Nhà nước ở địa phương trong công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, hầu hết được tiếp thu bằng văn bản.
Thứ ba, về quan hệ phối hợp liên ngành: Viện kiểm sát chủ trì, phối hợp với Công an thành phố ban hành hướng dẫn tạm thời về trình tự, thủ tục phối hợp nhận chuyển giao tài liệu điều tra cho VKS theo khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015; tổ chức nhiều hội nghị rút kinh nghiệm, hội nghị tập huấn trực tuyến như: Hội nghị trực tuyến CA-VKS-TA hai cấp đánh giá chuyên đề hạn chế án trả điều tra bổ sung và chuyên đề quản lý án tạm đình chỉ; hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện Quy chế phối hợp về tin báo giữa 10 sở, ngành của thành phố; hội nghị trực tuyến tập huấn BLHS, BLTTHS; hội nghị tập huấn trực tuyến công tác thống kê tội phạm.
Hàng tuần, lãnh đạo liên ngành CA-VKS-TA thành phố đều tiến hành họp, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ, việc phức tạp. VKS phối hợp với Công an, Toà án thành phố kiểm tra quản lý, theo dõi, đánh giá chặt chẽ án đình chỉ, tạm đình chỉ, các vụ tách rút hồ sơ, các vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp để thống nhất chỉ đạo.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, trả lời thỉnh thị có chất lượng, đã tiến hành 94 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã trả lời 232 thỉnh thị của VKSND cấp huyện, ban hành 15 văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, 43 thông báo rút kinh nghiệm. Hoàn thiện toàn bộ hệ thống quy chế hoạt động của Viện kiểm sát thành phố, 15 đơn vị cấp phòng và 30 Viện kiểm sát quận, huyện, thị xã để phù hợp với các đạo luật mới về tư pháp.
|
|
Các Kiểm sát viên VKSND TP. Hà Nội thực hành quyền công tố và KSXX tại phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm trực tuyến. |
Thứ năm, về ứng dụng công nghệ thông tin: Triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại VKSND hai cấp thành phố nhằm đưa toàn bộ hồ sơ, văn bản hành chính được xử lý dưới dạng hồ sơ điện tử, giúp nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo VKSND hai cấp thành phố.
Tiếp tục số hóa hồ sơ lưu trữ tại VKSND hai cấp thành phố (đã đưa lên hệ thống phần mềm quản lý số hoá hơn 286.500 tài liệu) nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tra cứu, khai thác hệ thống lưu trữ của hai cấp. Tập trung xây dựng phần mềm quản lý án hình sự tập trung 2 cấp thành phố từ giai đoạn thụ lý tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố đến giai đoạn thi hành án hình sự để đưa vào sử dụng trong năm 2019.
PV: Để giữ vững và phát huy những kết quả đã đạt được năm 2018, trong năm 2019, ngành Kiểm sát Thủ đô sẽ có những đổi mới gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Giảng: Năm 2019 được xác định là năm các ngành, các cấp tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, vì vậy, VKSND TP. Hà Nội cũng xác định các nhiệm vụ, giải pháp đã và đang triển khai thực hiện phải tiếp tục được quan tâm, điều chỉnh cho hợp lý, hiệu quả gắn với tinh thần của TP. Hà Nội đã xác định: “quyết liệt, khẩn trương, chắc chắn và hiệu quả”.
Lãnh đạo VKSND hai cấp dự kiến tập trung triển khai một số giải pháp chính như: Chọn khâu đột phá để chỉ đạo quyết liệt nhằm tiếp tục hạn chế đến mức thấp nhất án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án bị kéo dài, án hủy về hình sự, dân sự, hành chính có lỗi của Viện kiểm sát; không để xảy ra án oan; đặc biệt chú trọng công tác giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND hai cấp thành phố để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp trong giai đoạn hiện nay; đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, quyết liệt đưa vào ứng dụng các phần mềm quản lý công việc, quản lý án hình sự của VKSND hai cấp thành phố và triển khai một số phần mềm khác; tiếp tục rà soát, bố trí lại cán bộ lãnh đạo quản lý, Kiểm sát viên VKSND hai cấp và đẩy mạnh công tác tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu công tác kiểm sát trong tình hình mới; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, bảo vệ chính trị nội bộ, không để xảy ra việc cán bộ vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, kỷ luật của Ngành.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!