Trận đánh sinh tử ở bản Tà Dê, xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La vừa qua thêm một lần nữa cho thấy, cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở vùng biên khốc liệt đến nhường nào. Trong cuộc chiến ấy, mấu chốt chiến thắng chính là sự mưu trí, lòng dũng cảm vô song và tinh thần đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Sơn La.

“Điểm nóng” Vân Hồ

Theo Kiểm sát viên (KSV) Lê Thu Hà (Trưởng phòng 1- VKSND tỉnh Sơn La): Lóng Luông là xã vùng cao, diện tích tự nhiên hơn 53,3km2, cách biên giới 15 -20km. Xã có 11 bản, với tổng số trên 1.100 hộ - 5.200 nhân khẩu. Toàn xã hiện có 31 đối tượng truy nã về ma túy, 134 người nghiện ma túy, 28 đối tượng sưu tra, nghi liên quan đến ma túy, 72 đối tượng thi hành án tại các trại cải tạo, 65 đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về tái hòa nhập cộng đồng. Từ những đặc điểm về tự nhiên, xã hội, dân cư nêu trên đã khiến xã Lóng Luông trở thành địa bàn đặc biệt phức tạp về ma túy so với các địa bàn khác trong tỉnh, được ví như một trong những “bong ke” của tội phạm ma túy ở vùng Tây Bắc.

Để đảm bảo vững chắc an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Lóng Luông và vùng phụ cận, từ đầu năm 2018 đến nay, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Sơn La đã triển khai quyết liệt nhiều kế hoạch công tác tại khu vực này để đấu tranh với tội phạm ma túy, vận động truy bắt đối tượng truy nã, trong đó mục tiêu chính là các đối tượng hiện đang bị truy nã: Nguyễn Văn Thuận, SN 1984, trú tại tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là đối tượng có 2 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy; Nguyễn Thanh Tuân, SN 1983, trú tại thôn Lặt, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội có 4 lệnh truy nã đặc biệt về hành vi mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Hai đối tượng này là các “mắt xích” quan trọng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn (trên 2.700 bánh heroin) từ bên kia biên giới Lào vào nội địa, rồi trung chuyển đi các tỉnh và nước thứ ba để tiêu thụ, bị Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La, Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra, xử lý. Khi đường dây tội phạm ma túy bị phát hiện, 2 đối tượng bỏ trốn về bản Tà Dê. Tại đây, chúng lôi kéo các đối tượng truy nã ở các nơi khác tụ tập về mua bán ma túy, vô hiệu hóa cấp ủy, chính quyền cơ sở.

Để đấu tranh với 2 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm này, từ tháng 7 năm 2015, Công an tỉnh Sơn La đã xác lập chuyên án. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đặc biệt là địa bàn hiểm trở, độc đạo, địa điểm trú ngụ của các đối tượng lại hẻo lánh, cát cứ; đặc biệt để đối phó với các cơ chức năng, chúng đã tiến hành xây dựng nhà theo hệ thống liên hoàn với nhiều lớp tường rào bao bọc, có hầm ngầm, lắp đặt camera, tích trữ bình ga, xăng, nuôi chó dữ, sử dụng vũ khí để cố thủ, lôi kéo nhiều đối tượng nghiện ma túy có lệnh truy nã để bảo vệ (trong nhà Tuân thường xuyên có 14 đối tượng, nhà Thuận thường xuyên có 3 đối tượng) nên công tác đấu tranh gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo an toàn cho nhân dân và lực lượng chức năng chưa thể triển khai ngay các biện pháp mạnh.

Tuy nhiên, trong quá trình bị lực lượng chức năng truy bắt, hai đối tượng Thuận và Tuân không những ngoan cố không ra đầu thú mà còn kêu gọi, móc nối, tụ tập với một số đối tượng ở địa bàn: Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương (có quan hệ làm ăn với Tuân, Thuận) ráo riết chuẩn bị các phương tiện, vũ khí chống đối, tử thủ với lực lượng chức năng.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Lê Thu Hà có mặt trực tiếp tại hang ổ của “trùm” ma túy Nguyễn Văn Thuận. Ảnh do Công an Sơn La cung cấp. 

Cuộc gọi lúc nửa đêm

12h đêm ngày 26/6/2018, KSV Lê Thu Hà cùng KSV Cầm Văn Hồng nhận được điện thoại chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La – Nguyễn Đình Đức: “Tập trung tại Công an tỉnh Sơn La lúc 4h sáng ngày 27/6 để lên đường tới Vân Hồ làm công tác kiểm sát trực tiếp tại hiện trường”. Để đảm bảo cho quá trình đánh án hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra với lực lượng chức năng, tại trụ sở Công an huyện Vân Hồ, lực lượng chuyên trách đã tiến hành làm mô hình một con đường sao cho giống nhất với đường vào nhà của 2 đối tượng Thuận và Tuân để các cán bộ, chiến sĩ tập dượt trước khi tiến hành vây bắt.

Được sự hỗ trợ của Công an tỉnh Sơn La, KSV Lê Thu Hà cũng đã được trang bị một chiếc áo giáp chống đạn. Chiếc xe bọc thép đi đầu tiến vào hang ổ của “trùm” ma túy Nguyễn Văn Thuận chở Đại tá Phùng Tiến Triển, Thủ trưởng Cơ quan điều tra, KSV Lê Thu Hà cùng một số cán bộ chiến sĩ khác… Khi chỉ còn cách hiện trường khoảng 500m, tiếng đạn nổ rít chát chúa qua bộ đàm, những tiếng liên lạc và các ý kiến tác chiến chỉ đạo về nghiệp vụ liên tục được đưa ra… “Trước mắt tôi là cảnh khói, lửa liên tục bốc lên từ phía căn nhà của Nguyễn Văn Thuận”, KSV Lê Thu Hà nhớ lại.

Ở một hướng khác, trước sự chống đối quyết liệt của các đối tượng, KSV Cầm Văn Hồng cùng các lực lượng chức năng tiến hành tiếp cận nhà của ông “trùm” Nguyễn Thanh Tuân… Có mặt tại tuyến lửa, KSV Trần Công Tiến, Viện trưởng VKSND huyện Vân Hồ cũng theo dõi sát sao diễn biến quá trình đánh án.

Lúc này, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc 11 đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã bao vây sào huyệt của 2 “trùm” ma túy Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận tại bản Tà Dê. 

Sau khi tiêu diệt được Nguyễn Thanh Tuân và Nguyễn Văn Thuận, bắt giữ một số đối tượng khác, Công an tỉnh Sơn La và VKSND tỉnh Sơn La đã tiến hành khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường và thu giữ nhiều vật chứng như: 49 khẩu súng (AK, AR15, K54, K59, Săm lếch, Colt...; trong đó có một số khẩu súng bị cháy); 17 quả lựu đạn, hơn 7.000 viên đạn; 31 hộp tiếp đạn (có đạn); 29 ống giảm thanh, ống ngắm súng; 03 ống nhòm; nhiều vỏ đạn; 11 can xăng, dầu loại 20 - 30 lít; 23 bình ga loại 13kg, 34,9 kg; 1 bộ ép thủy lực; 2 ô tô; 5 xe máy; 25m3 gỗ sến...

Trước câu hỏi khá bất ngờ của tôi: “Chị có sợ không khi đứng trước những hiểm nguy cận kề trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với các đối tượng phạm tội về ma túy?”, KSV Lê Thu Hà trầm giọng: “Có chứ em, bởi ai cũng là con người cả. Nhưng thú thật với em, sau khi nhận chỉ thị từ Viện trưởng, chị cảm thấy rất bình thản. Điều cơ bản trong đầu chị lúc đó là phải làm sao hoàn thành tốt nhiệm vụ mà lãnh đạo Ngành đã giao”.
Tiếp xúc với KSV Lê Thu Hà, tôi được biết thêm khá nhiều điều thú vị về chị… Không chỉ là nữ KSV kiểm sát trực tiếp ở nơi “tuyến lửa” Lóng Luông mà chị còn là KSV tham gia kiểm sát trực tiếp vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong bồi thường hỗ trợ tái định cư tại Thủy điện Sơn La. Đặc biệt, tôi khá bất ngờ trước thông tin khi biết chị đã từng bị Thọ “sứt”, một đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm thuê người để giết chị với giá 300 triệu đồng…

“Nghề nguy hiểm nhưng đã “lỡ” say rồi”

Năm 2017, Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, SN 1980, trú tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) từng bị HĐXX của TAND tỉnh Hà Nam xét xử với các tội danh Giết người, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Mua bán trái phép chất ma túy, với tổng hợp hình phạt phải chấp hành chung cho cả 3 tội là Tử hình.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên Trần Công Tiến, Viện trưởng VKSND huyện Vân Hồ luôn theo sát quá trình khám nghiệm hiện trường vụ án. Ảnh do Công an Sơn La cung cấp. 

Trước khi bị đưa ra xét xử, Lê Văn Thọ vẫn đang chấp hành án tù tại trại giam Nam Hà, Bộ Công an. Mặc dù đang phải “trả án” nhưng Thọ “sứt”, vốn là một đối tượng giang hồ cộm cán, vẫn không “cải tà quy chính” mà ngấm ngầm điều hành đàn em theo dõi, giải quyết những vụ việc bên ngoài. Khi đang ở tù, Thọ "sứt" còn thuê người thực hiện việc đặt mìn nhằm giết hại một cán bộ điều tra và một KSV, VKSND tỉnh Sơn La. Và người cán bộ KSV ấy chính là chị Lê Thu Hà.

Khoảng tháng 5 năm 2015, Lê Văn Thọ đã sử dụng 3 số điện thoại di động khác nhau gọi cho Lê Quang Tuấn (tức Tuấn “bốc”) trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh nhờ Tuấn mua mìn tự chế và dây cháy chậm tại khu vực mỏ than Vàng Danh, thành phố Uông Bí. Thọ “sứt” đã chỉ đạo Tuấn đến gặp Vũ Văn Thắng tại thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương nhận 10 triệu đồng để thực hiện việc mua thuốc nổ.

Sau khi mua được 4 thỏi thuốc nổ công nghiệp tại mỏ than Vàng Danh, Lê Quang Tuấn đã báo cho Thọ “sứt” biết và được Thọ chỉ đạo sử dụng các khối thuốc nổ này để giết người. Đối tượng mà Thọ “sứt” chỉ đạo Tuấn ra tay là anh Hoàng Quốc Đức, cán bộ điều tra Công an tỉnh Sơn La và chị Lê Thu Hà, KSV VKSND tỉnh Sơn La. Thọ “sứt” ra giá mỗi mạng người 300 triệu đồng để Tuấn “bốc” thực hiện. Lúc đầu, Lê Quang Tuấn từ chối, nhưng sau đó Thọ “sứt” đã thuyết phục Tuấn thực hiện phi vụ ám sát này.

Theo đó, từ ngày 10 đến 26/6/2015, Thọ liên tục gọi điện cho Tuấn hướng dẫn cách đặt mìn. Ngày 27/6/2015, Lê Văn Thọ đã nhờ người chuyển cho Lê Quang Tuấn 18 triệu đồng để Tuấn đi Sơn La xác định địa chỉ nhà ở và quy luật sinh hoạt của anh Đức và chị Hà, chuẩn bị ra tay phạm tội. Tuấn đã lên TP. Sơn La và ở đây 2 ngày, thăm dò thông tin. Nhưng sau đó, Tuấn đã đổi ý vì nhận thức được việc làm mà Thọ giao là trái pháp luật và mất nhân tính. Do vậy, Lê Quang Tuấn đã mang toàn bộ tang vật chuẩn bị phạm tội đến C45 Bộ Công an đầu thú.

Khi Lê Quang Tuấn nhận tiền mà không thực hiện “nhiệm vụ”, Thọ “sứt” rất điên tiết và đã liên hệ với Vinh “mốc”, một bạn tù từng cải tạo chung tại Trại giam Hoàng Tiến (ở Hải Dương) nhờ ra tay ám sát anh Đức và chị Hà bằng súng. Khi Vinh “mốc” đồng ý, Lê Văn Thọ đã gọi điện cho Diệp Văn Duy và bảo Duy đưa cho Vinh “mốc” một khẩu súng, loại K59 để Vinh sử dụng. Tuy nhiên, khi Vinh “mốc” chưa kịp ra tay thì Cơ quan điều tra đã phát hiện sự việc và kịp thời ngăn chặn.

Quá trình điều tra sau này, Lê Văn Thọ đã khai nhận sự việc toàn bộ âm mưu giết người và cho rằng, Thọ được các đối tượng khác nhờ. Đối với Lê Quang Tuấn, do đã kịp thời tự thú và giúp cơ quan điều tra phát hiện, ngăn chặn việc Thọ “sứt” phạm tội nên được miễn trách nhiệm hình sự.

Việc Thọ “sứt” thuê người đặt mìn, dùng súng sát hại cán bộ điều tra và KSV mãi sau này, chị Hà mới biết khi được cơ quan Công an báo lại. “Vẫn biết làm nghề này là nguy hiểm, nhưng đã “lỡ” say nghề rồi”, chị Hà cười vui.
Có thể nói, trong những nỗ lực không biết mệt mỏi của các lực lượng chức năng nhằm đẩy lùi, ngăn chặn những hiểm họa từ ma túy, luôn có một phần đóng góp không nhỏ của những cán bộ, KSV ở những địa bàn trọng điểm nơi tuyến lửa. Họ đã âm thầm không quản ngại ngày đêm đóng góp công sức, trí tuệ, thậm chí là phải đánh đổi bằng tính mạng của bản thân và sự nguy hiểm đối với gia đình chỉ với một niềm tin yêu tha thiết, vì sự bình yên, hạnh phúc trên những dặm dài biên cương của Tổ quốc.

Xuân Hưng