Vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong phiên trả lời trước Quốc hội sáng nay 7/11, đã được các đại biểu gửi đến Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đó là nguy cơ thiếu điện và chậm xây dựng đường truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo. Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP.HCM)  mong muốn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề này nhanh chóng, nhất là khi nguy cơ thiếu có thể diễn ra trong vài năm tới.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công nghiệp điện, ông cho biết do sự phát triển nóng của các nhà máy điện mặt trời nên đã xảy ra quá tải trên lưới điện truyền tải, phân phối tại khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí gặp nhiều khó khăn. Biến đổi khí hậu cũng khiến các hồ thuỷ điện gặp khó để phát điện.

Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tuy đã thực hiện theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn còn có một số ý kiến chưa đồng thuận của các khách hàng sử dụng điện.

Ông cũng cho biết các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch ảnh hưởng tới việc đảm bảo cung ứng điện.

“Theo kết quả rà soát mới đây, tổng công suất các dự án điện có thể vận hành giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 15.500 MW/21.650 MW, đạt gần 72%). Việc chậm tiến độ đang tạo ra các khó khăn, thách thức lớn trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới”, ông nói.

Về vấn đề độc quyền trong truyền tải điện mà đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề cập, Bộ trưởng Công Thương nhắc đến Luật Đầu tư và Luật Điện lực, quy định vai trò độc quyền của Nhà nước trong truyền tải điện. Từ đó dẫn đến việc không chủ động để đa dạng hóa được mô hình đầu tư của xã hội trong các hệ thống truyền tải điện, để đảm bảo nâng cao năng lực giải tỏa công suất và hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Ông giải thích độc quyền truyền tải điện bao hàm nghĩa là Nhà nước chủ quản quản lý hệ thống truyền tải điện đó và việc vận hành hệ thống điện để đảm bảo vai trò của Nhà nước trong việc đảm bảo nền tảng an ninh năng lượng. Còn việc tư nhân đầu tư các công trình truyền tải điện chúng ta vẫn có thể xem xét.

Ông nhấn mạnh có thể tách khái niệm đầu tư cho các công trình trong hệ thống truyền tải điện để đảm bảo việc có cơ hội cho các thành phần kinh tế khác trong xã hội để tham gia đầu tư.

Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ nghiên cứu phương án để giải quyết những vấn đề tồn tại của hệ thống truyền tải điện khi vốn phụ thuộc quá lớn vào nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn lực của Tập đoàn Điện lực quốc gia (EVN).

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng 

Trong 15 phút báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc đến trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Ông nhấn mạnh điện năng có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu và là một nhân tố quyết định thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành điện, trong đó có các cơ quan quản lý Nhà nước, tập đoàn kinh tế Nhà nước cùng các nhà đầu tư đã nỗ lực để đầu tư phát triển hệ thống điện.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn. “Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới”, Phó Thủ tướng cảnh báo.

Ông nêu thực tế cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh dẫn đến việc chúng ta phải điều chỉnh quy hoạch, nếu không sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất.

“Chúng ta dừng điện hạt nhân, nguồn điện than đầu tư rất khó khăn do lo ngại về vấn đề môi trường, cùng với đó rất nhiều dự án chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến việc cung cấp, cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế xã hội”, ông nêu thực tế.

Ông cung cấp con số sơ bộ với khoảng 60 dự án đang đầu tư, trong đó có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa và với tổng công suất khoảng 39.000 MW, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.

Do đó, Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện nhằm bổ sung thêm các nguồn điện. Trong đó, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt này. Điển hình, nguồn điện mặt trời, điện gió có rất nhiều nhưng không ô nhiễm môi trường, không tốn nhiên liệu./.

Xuân Hưng