leftcenterrightdel
 Quang cảnh Phiên họp chiều ngày 14/12. (Ảnh: VPQH)

Trình bày Báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết và bố trí các nội dung trong Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát 3 nguyên tắc. Đó là tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

leftcenterrightdel
 Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý và khả thi trong bố trí các nội dung thuộc Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các cơ quan đề xuất nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 thì cần được cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước khi bố trí trong Chương trình công tác. Theo nguyên tắc này, chưa bố trí vào chương trình các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023 đối với 12 dự án luật theo đề xuất của Chính phủ, 2 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh theo đề xuất của TAND tối cao chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại phiên họp tháng 5 và tháng 10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu do 2 phiên họp này sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ Năm và thứ Sáu của Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung dự kiến nêu trong Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Liên quan đến việc kéo dài thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu ở các tổ chức tín dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Quốc hội thống nhất kéo dài hiệu lực thi hành của Nghị quyết đến ngày 31/12/2023, giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa quy định xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, cùng với việc rà soát sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng trình Quốc hội xem xét chậm nhất là tại Kỳ họp thứ Năm vào năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung này vào Chương trình công tác.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đánh giá cao Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xây dựng rất công phu, bài bản, tương đối toàn diện, bao quát đầy đủ, đồng thời đề nghị, Nghị quyết nên viết ngắn gọn hơn và bổ sung phần đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác năm cũ, rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng chương trình trong năm mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Nghị quyết cần nêu rõ tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng từ sớm, từ xa, đề cao công tác nghiên cứu tài liệu, công tác chuẩn bị cho ý kiến kỹ lưỡng từ các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Và chỉ đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đặc biệt, việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có dự thảo văn bản có liên quan kèm theo; đối với những nội dung đã có sự thống nhất cao và mang tính nội bộ có thể trình bằng văn bản, để dành thời gian Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào những vấn đề lớn; đồng thời giảm thời gian đọc các tờ trình…, giúp tiết kiệm thời gian họp tập trung và nâng cao chất lượng các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời gian tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nên bố trí vào ngày 10 hàng tháng để các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Chính phủ chủ động lịch công tác cũng như việc chuẩn bị các nội dung trình. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị giảm phiên họp chuyên đề và tăng thời gian họp của một số phiên họp cụ thể của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, bởi theo báo cáo thì có phiên họp chỉ diễn ra trong nửa ngày đến một ngày; đồng thời bảo đảm bố trí thời gian dự phòng đối với các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… 

Liên quan đến Nghị quyết liên tịch số 525/2012 về việc thực hiện tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng nên thiết kế đẩy lên sớm vào tháng 3 hoặc tháng 4, thay vì là tháng 8/2023 như dự kiến.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao và cơ bản đồng tình với công tác chuẩn bị của Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội bảo đảm việc xây dựng Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng quy định, quy trình, được chuẩn bị công phu, bài bản, lấy ý kiến của 18 cơ quan hữu quan.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận phiên thảo luận chiều 14/12. (Ảnh: VPQH)

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận trong năm 2021 và 2022 do bối cảnh tình hình đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải họp đột xuất nhiều để quyết định các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thêm phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật bảo đảm bám sát chức năng, nhiệm vụ; với sự chuẩn bị tốt nên đều bảo đảm chất lượng các phiên họp.

Cơ bản tán thành với khối lượng công việc như Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý một số nội dung cụ thể, như điều chỉnh số lượng phiên họp chuyên đề về pháp luật ít hơn, chủ yếu nhằm phục vụ cho 2 kỳ họp Quốc hội; thời gian mỗi phiên họp ít nhất 1 ngày và có 1 ngày dự phòng.

Cơ bản đồng tình dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng. Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Chiều cùng ngày, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội; xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của CHXHCN Việt Nam.

P.V