leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên thảo luận sáng nay 

Hôm nay 30/5 , Quốc hội bước vào ngày thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội, ngân sách năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017. Trong phiên thảo luận, các thành viên Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho biết tốc độ tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất kể từ 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD.

Bước sang năm 2019, tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%. Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,68%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; dịch vụ tăng 6,5%.

Trong phần thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại xung đột thương mại giữa các nước, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi có thể gây tác động xấu tới nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, một số đại biểu cũng lo ngại diễn biến của giá dầu và việc tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay (dưới 4%).

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ không đồng tình về cách tính giá điện theo thang 6 bậc hiện nay mà Bộ Công thương áp dụng. Một số khác băn khoăn với việc điều chỉnh giá điện từ 20/3.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi đó đã lý giải việc chọn thời điểm tăng vào ngày 20/3 là hợp lý. Ông cho rằng nếu không tăng giá điện vào tháng 3 mà lùi lại thời điểm khác trong năm thì mức tăng phải gấp đôi mới có thể trang trải được khoản thiếu chi phí mua điện năm 2019 là 20.000 tỷ đồng.

Nhiều cử tri tỏ ra hồ nghi

Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết rất mừng vì các con số đã đạt được. Đáng ra nhân dân rất hồ hởi nhưng theo ông Hiếu, nhiều cử tri lại tỏ ra hồ nghi, bởi niềm tin bị lung lay nên cái tốt không còn được tiếp nhận theo một cách thông thường nữa. Và niềm tin ấy bị mất đi vì những thực tế hàng ngày diễn ra xung quanh họ, chúng ta có thể có nhiều chính sách vĩ mô tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng những bức xúc hàng ngày của người dân không được giải quyết nên cố gắng của cả một hệ thống bị vài bộ phận nhỏ làm ảnh hưởng.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu 

Là đại biểu Quốc hội An Giang, ông Hiếu gửi đến Quốc hội phản ánh của cử tri ở địa phương này về lĩnh vực giao thông, điển hình là việc triển khai xây dựng đường tránh Long Xuyên. 6 tháng qua mọi việc tiến triển rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của một tỉnh nghèo.

Nếu được triển khai sẽ không có chuyện cách đây vài ngày người dân kéo đến trạm BOT T2 phản ứng dữ dội, rồi đến cây cầu Vàm Cống vừa khánh thành đã bị mất đi ý nghĩa nhân văn chỉ vì sai lầm, tắc tách của một bộ phận.

“Khởi công đường tránh Long Xuyên và có giải pháp tháo gỡ công bằng cho người sân khi đi qua trạm thu phí BOT T2 là mong mỏi lớn nhất của cử tri An Giang lúc này” - ông Hiếu nói.

Về lĩnh vực đời sống với những vấn đề như giá điện, giá xăng dầu, theo đại biểu Lân Hiếu, dù Bộ Công thương có báo cáo việc điều chỉnh giá gần 20 trang với những con số, lập luận để khẳng định bộ làm đúng. Dẫn chứng bản thân là bác sĩ, ông Hiếu cho rằng nếu đưa ra một phác đồ đúng mà bệnh nhân không tốt lên thì phải xem xét lại, nhiều khi lý thuyết là đúng nhưng khi triển khai lại sai ở mắt xích nào đấy, vì vậy cần dừng lại xem xét, không bảo thủ, che giấu sai lầm.

“Vậy nên khi rất nhiều người dân bức xúc thì Bộ Công thương phải xem xét, rà soát, rút kinh nghiệm về phương pháp tiến hành, cách thức quản lý, giám sát”, ông Hiếu nói và đặt vấn đề phải chăng tình trạng trên là do sự độc quyền.

Lợi ích nhóm vẫn còn

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chỉ ra thực tế chất lượng xây dựng văn bản pháp luật còn hạn chế. Nhiều dự án luật còn chồng chéo, không khả thi, thời gian “sống” của luật chỉ 3-5 năm sau đó phải sửa đổi. Nguyên nhân xuất phát từ tư duy chính sách, năng lực của một số cán bộ chưa tốt.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Công Nhường

“Còn tư duy không quản lý được thì cấm, cài cắm lợi ích ngành, lợi ích nhóm vẫn còn” - ông nói.

Đại biểu đề xuất khi xây dựng văn pháp luật cần mời luật sư, doanh nghiệp, người dân, những đối tượng chịu ảnh hưởng… cùng tham gia theo tỷ lệ lớn hơn hiện nay. Ngoài ra, cần bố trí lại cơ cấu, bộ phận làm chính sách tách biệt với bộ phận thực thi để tránh việc cài cắm lợi ích.

“Tôi đề xuất Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ phải chủ trì xây dựng các dự án luật”- ông đề xuất.

Đại biểu tỉnh Bình Định cũng đề xuất cần áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong trợ giúp công tác xây dựng pháp luật. Việc này sẽ giúp phát hiện dự thảo luật không tương thích với các văn bản quy phạm khác. “Có thể lập trình tạo ra mục tiêu, từ đó AI lập luận giải quyết, phát hiện những vấn đề không tương thích với hiến pháp, các luật khác, các vấn đề chống chéo. Luật ban hành ra cũng được minh bạch”-ông đề xuất./.

Xuân Hưng