Ngày 29/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ủy ban này đã đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo Quốc hội, làm rõ ba vấn đề..
Phạm vi và cơ sở của những nội dung sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ; Sự đồng bộ giữa việc nhận diện đầy đủ những vấn đề mới, những hạn chế, bất cập với việc đề xuất các giải pháp điều chỉnh pháp luật; Các xu hướng ý kiến khác nhau và quan điểm của Chính phủ đối với các nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo |
Về hồ sơ, quy trình, thủ tục, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chỉ ra rằng, hồ sơ dự án Bộ luật được chuẩn bị đầy đủ, đã bổ sung, cập nhật một số thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, song cần được tiếp tục hoàn thiện thêm để bảo đảm Quốc hội có đầy đủ thông tin xem xét, cho ý kiến về nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến người lao động.
Ủy ban thấy rằng, Bộ luật Lao động có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, việc sửa đổi Bộ luật lần này tiến hành một cách toàn diện, với nhiều nội dung mới, phức tạp, có những vấn đề chưa có tiền lệ ở Việt Nam, liên quan đến nhiều luật, bộ luật khác nên cần nhiều thời gian thảo luận thấu đáo, tham vấn rộng rãi, bảo đảm đồng thuận xã hội.
|
|
Làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ |
Do vậy, Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án Bộ luật trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội; tổ chức lấy ý kiến nhân dân; đồng thời, đánh giá đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới trên cơ sở tham vấn ý kiến đối tượng chịu sự tác động và phản biện xã hội.
Đối với nội dung mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, Ủy ban thẩm tra cho rằng, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, .. các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững và hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ”, “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.
Đối với quy định về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ nhưng chưa làm rõ tính hợp lý về khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ quan điểm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động, điều kiện lao động của những nhóm lao động khác nhau và liên quan mật thiết đến nhiều chính sách khác.
|
|
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời báo chí sáng 29/5 bên lề Kỳ họp thứ bảy - Quốc hội khóa XIV. |
Trả lời báo chí bên hành lang Kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Việc tăng tuổi nghỉ hưu không phải chuyện người già “tranh” chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế làm việc. Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tính tới yếu tố tăng trưởng việc làm, đảm bảo sự bền vững và cần căn cứ vào rất nhiều mục tiêu khác như đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm trong lâu dài, vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới...
“Mục tiêu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có một tầm nhìn dài, nhưng phải hành động nhanh chóng, đặc biệt phải tiến tới thích ứng được già hóa dân số vào năm 2035”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, quy định vể tuổi nghỉ hưu 60 tuổi với nam, 55 tuổi với nữ đang áp dụng đã có từ năm 1961, tức là đã khoảng 60 năm. Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của Việt Nam tại thời điểm đưa ra quy định về tuổi nghỉ hưu đang áp dụng chỉ hơn 45 tuổi, nhưng tới nay tuổi thọ trung bình của Việt Nam đang là 76,6 tuổi, đặc biệt số người sống sau 55 tuổi với nữ hiện lên tới 79,5 tuổi. "Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tuổi thọ cao trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.