Theo số liệu từ WCS ghi nhận từ các nguồn mở, từ năm 2020 đến 2021, tại Việt Nam, có ít nhất 601 vụ việc phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, liên quan đến ít nhất 30 loài bị xâm hại, trong đó các loài phổ biến nhất là tê tê, tê giác và các loài khác như kỳ đà, cày, rắn, khỉ…với ít nhất 14.623 cá thể các loài động vật hoang dã và 96.533 kg sản phẩm động vật hoang dã (da, xương, sản phẩm chế tác…) bị bắt giữ. Trong đó, 75% (tính theo khối lượng) có nguồn gốc từ châu Phi.
|
|
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. ̣(Ảnh: LT) |
Các sản phẩm động vật hoang dã từ châu Phi (chủ yếu vảy tê tê, ngà voi, xương sư tử, sừng tê giác) tiếp tục được vận chuyển vào Việt Nam qua các cảng biển chính (TP Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh).
Đáng chú ý, hoạt động vận chuyển sừng tê giác trên các chuyến bay từ châu Phi, bao gồm các chuyến bay giải cứu công dân trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 (từ Angola, Mozambique) do các công dân, người lao động Việt Nam có dấu hiệu được thuê vận chuyển, tiếp tục diễn ra với số lượng lớn, cho thấy các đường dây tội phạm người Việt Nam tại châu Phi vẫn tiếp tục hoạt động ngày càng tinh vi, cung ứng động vật hoang dã cho thị trường Việt Nam.
|
|
Bà Vũ Thị Hải Yến (Vụ trưởng Vụ 13, VKSND tối cao) tại hội thảo. (Ảnh: LT) |
Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau tập trung thảo luận về kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý các vụ việc buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã liên quan đến người Việt Nam tại các nước châu Phi; những khó khăn, thách thức và giải pháp từ các góc độ và cách tiếp cận khác nhau nhằm tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong xử lý các loại tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến các nước châu Phi, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến tội phạm buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã Mozambique về Việt Nam.
Theo đại diện Vụ 13 cho biết, qua 14 năm thi hành Luật tương trợ tư pháp, VKSND tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 2.301 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện, trong đó có 80 yêu cầu gửi đến các quốc gia châu Phi. Các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự liên quan đến các nước đã ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với Việt Nam chiếm khoảng 75% tổng số yêu cầu gửi đi.
|
|
Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: LT) |
Cũng trong thời gian này, VKSND tối cao đã tiếp nhận, giải quyết 1.148 yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, trong đó có 4 yêu cầu đến từ các quốc gia châu Phi.
Nội dung các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự ngày càng phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực và tội phạm. Trong đó có những tội phạm nghiêm trọng như: các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người (giết người, hiếp dâm, mua bán người…), tội phạm xâm phạm sở hữu (lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản), các tội phạm chức vụ (tham ô), tội phạm kinh tế, tội phạm về ma túy...
|
|
Các đại biểu chụp hình lưu niệm |
Theo Vụ 13, kết quả hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự góp phần tác động hiệu quả vào việc thu thập chứng cứ, thông tin cũng như thực hiện các biện pháp tố tụng cần thiết một cách đầy đủ và kịp thời trong giải quyết các vụ án có yếu tố nước ngoài, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Trong đó có nhiều vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, các vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, được dư luận quan tâm, thu hồi tài sản về cho Nhà nước. Đáng chú ý, hoạt động này còn góp phần thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam bị bắt, điều tra, truy tố, xét xử ở nước ngoài.
Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện của VKSND tối cao, VKSND một số tỉnh, thành phố của Việt Nam và Cơ quan Tổng chưởng lý Mozambique chia sẻ những khó khăn trong thực tiễn hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự trong đấu tranh, xử lý các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cùng với đó, các đại biểu cũng có thời gian và cơ hội thảo luận những giải pháp phòng, chống tội phạm và tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý tội phạm buôn bán động vật hoang dã liên quan đến các nước châu Phi.
Những đóng góp, chia sẻ và thảo luận tại hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy các nghiên cứu pháp lý về hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tương trợ tư pháp trong quá trình giải quyết những vụ án buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam và Mozambique.