leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/3 (ảnh: VPQH cung cấp).

Các nhóm chính sách khi xây dựng Luật

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Về dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ Căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dựng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách:

1: Quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ Căn cước công dân; thẻ Căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ Căn cước công dân;

2: Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân;

3: Bổ sung đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước;

4: Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ Căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan. 

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình (ảnh: VPQH cung cấp).

Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách:

1: Hoàn thiện quy định về nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng;

2: Hoàn thiện quy định về hoạt động và bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, quỹ tín dụng nhân dân;

3: Hoàn thiện quy định về dịch vụ ngân hàng qua phương tiện điện tử và số hóa dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ, thúc đẩy, quản lý ngân hàng số tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0;

4: Hoàn thiện các quy định nhằm tạo cơ sở thúc đẩy quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý tổ chức tín dụng yếu kém;

5: Quy định về xử lý nợ xấu;

6: Quy định về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

Cần tiếp tục bổ sung, đánh giá thêm

Thẩm tra đề nghị bổ sung 2 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh và các cơ quan tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Căn cước công dân…

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra (ảnh: VPQH cung cấp).

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đủ điều kiện trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình. Tuy nhiên, đề nghị trong quá trình xây dựng dự án Luật cần tiếp tục bổ sung đánh giá tác động kỹ hơn đối với các chính sách, nhất là đánh giá về nguồn lực thực hiện, lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi; làm rõ phương thức thực hiện việc tích hợp thông tin vào thẻ Căn cước công dân, bổ sung thông tin vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để không gây phiền hà cho người dân; rà soát các luật có liên quan bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất.

Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Kinh tế và các cơ quan nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra…

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với Báo cáo đánh giá tác động, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần đưa ra các phương án, bổ sung đánh giá kỹ những tác động tiêu cực của từng phương án, chính sách để bảo đảm tính toàn diện.

Bên cạnh đó, đây là dự án Luật có nhiều nội dung liên quan đến phạm vi lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính nhưng trong Hồ sơ còn thiếu văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tài chính; đồng thời, ý kiến tham gia của Bộ Ngoại giao chưa thể hiện rõ nội dung đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên như quy định. 

Trên cơ sở ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng cần tiếp tục cân nhắc trong tổng thể các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5, kỳ họp thứ 6 và sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi xem xét dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.

Vũ Cảnh