leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc chiều 15/3 (ảnh: VPQH).

Tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân

Trình bày Tiểu dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã góp phần tạo biến tích cực trong nhận thức, hành động của toàn xã hội về bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số quy định của Luật 2012 còn giao thoa, chồng chéo với các luật khác dẫn đến khó thực hiện hoặc lãng phí nguồn lực. Đồng thời, thiếu khung pháp lý cho an ninh nguồn nước; thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

Do đó, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh sự cần thiết phải cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước. Trong đó, cần nghiên cứu, sửa đổi ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) theo hướng bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành Trình bày Tiểu dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Ảnh: VPQH.

Điều này nhằm mục đích hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; phòng ngừa, kiểm tra giám sát và phục hồi các nguồn nước bị suy suy thoái, kiệt quệ và ô nhiễm; phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương giải quyết các chồng chéo, xung đột pháp luật.

Quan điểm xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Đồng thời kế thừa các quy định của Luật 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật 2012, dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều) và bãi bỏ 8 điều.

Về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước, gồm 13 điều (từ Điều 13 đến Điều 25), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hướng quy định rõ các hoạt động thuộc đối tượng điều tra định kỳ thường xuyên và không định kỳ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải cập nhật kết quả thực hiện vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; trách nhiệm phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu và khả năng tiếp nhận nước thải vào nguồn nước theo hướng công bố ở những khu vực, nguồn nước quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp chiều 15/3 (ảnh: VPQH).

Về bảo vệ tài nguyên nước (từ Điều 26 đến Điều 38), bổ sung các quy định về chức năng nguồn nước (Điều 26), Dòng chảy tối thiểu (Điều 28), ngưỡng khai thác nước dưới đất (Điều 29), Bảo vệ nguồn nước liên quan đến hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa (Điều 35) nhằm quản lý chặt chẽ hơn về số lượng, chất lượng nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Đồng thời sửa đổi bổ sung các quy định về bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt theo hướng quy định các nội dung bảo vệ nguồn nước cho sinh hoạt và trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương, tổ chức/cá nhân trong bảo vệ chất lượng nguồn nước cho sinh hoạt…

Bổ sung mới Điều 70 về dịch vụ bảo vệ, phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước, trong đó quy định cụ thể các dịch vụ; nguyên tắc chi trả dịch vụ; trách nhiệm tổ chức, cá nhân trong cung cấp dịch vụ. Bổ sung mới Điều 71 về tích hợp hoạt động tài nguyên nước, trong đó làm rõ mục đích, ý nghĩa về tích hợp tài nguyên nước và trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia thực hiện tích hợp tài nguyên nước…

Đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm nhiều nội dung

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước như Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa được Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng tránh và giảm thiểu rủi ro thiên tai…

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/3 (ảnh: VPQH).

Tuy nhiên, dự thảo Luật cần tập trung làm rõ hơn quan điểm về chủ động tích nước, trữ nước; điều tiết, bảo đảm đủ nước cấp cho sinh hoạt và sản xuất; kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước, bảo đảm thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều nước; thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước, tái sử dụng nước; ứng dụng KH&CN trong quản trị, phát triển tài nguyên nước. 

Về tên gọi của Luật và phạm vi điều chỉnh, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi dự thảo Luật để quản lý toàn diện các hoạt động liên quan đến tài nguyên nước. Bên cạnh đó, ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Quản lý nguồn nước” cho phù hợp với quản lý nước của các luật về khai thác, sử dụng nước hiện hành; làm rõ lý do không điều chỉnh đối với nước khoáng, nước nóng thiên nhiên; bổ sung điều chỉnh đối với nước dưới đất thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam...

Về một số nội dung chính trong Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, liên quan đến nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả do nước gây ra.

Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần rà soát thể hiện cô đọng, rõ nét hơn quan điểm quản lý tổng thể, thống nhất tài nguyên nước, thuận theo tự nhiên nhưng có kiểm soát; đồng thời cần làm rõ vai trò, chức năng của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng điều phối, giám sát khai thác, sử dụng nước để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước…

Vũ Cảnh