leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 6/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Ghi nhận nhiều nỗ lực và cố gắng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn có số lượng đông kỉ lục đại biểu Quốc hội đăng kí chất vấn với 99 đại biểu đăng kí, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân đối với lĩnh vực lao động, việc làm. Trong đó đã có 46 đại biểu tham gia chất vấn với 35 đại biểu đã trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn và 11 đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Còn 54 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản theo quy định.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, đại biểu đăng ký chất vấn và đặt câu hỏi rất ngắn gọn, trách nhiệm, thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề mà người dân, cử tri và doanh nghiệp đang rất quan tâm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ hai với nhiều kinh nghiệm trong quản lý nhà nước và thành thạo trong trả lời chất vấn. Vì vậy, đã nắm rất chắc các quy định của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình thực trạng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ và đã trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời cũng đề xuất được nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội cả về việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, pháp luật cũng như trong quá trình tổ chức thực hiện những nội dung mà thuộc lĩnh vực trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (ảnh: VPQH cung cấp).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua báo cáo và diễn biến tại phiên họp cho thấy Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có rất nhiều nỗ lực và cố gắng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, đến nay đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, thể chế pháp luật về lao động và việc làm, có nhiều giải pháp để phát triển thị trường lao động. Đặc biệt Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là một Bộ đi tiên phong và có nhiều kết quả phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch COVID-19 vừa qua. Chỉ riêng thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội và các quy định của Chính phủ đã hỗ trợ cho trên 68,43 triệu lượt người dân và người lao động và trên 1,4 triệu người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 120.000 tỉ đồng.

Cùng với đó, số lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng tăng nhanh, thu nhập của người lao động được duy trì, cải thiện. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng giảm, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp cũng đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đặc biệt, lĩnh vực bảo hiểm xã hội có nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mức đề ra như về số người tham gia bảo hiểm xã hội tính đến hết năm 2021 đã đạt 36,75% lực lượng lao động trong độ tuổi, đã vượt kế hoạch theo mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương, tham gia bảo hiểm tự nguyện cũng đã đạt 3,2% lực lượng lao động trong độ tuổi và vượt xa mục tiêu đến năm 2025 theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương. Quỹ bảo hiểm xã hội thì có kết dư.

Tập trung thực hiện một số vấn đề quan trọng

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được thì trong lĩnh vực lao động và việc làm cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn không ít những tồn tại, hạn chế và yếu kém.

Theo đó, về giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô, trình độ, mạng lưới, phân bổ đào tạo lĩnh vực này còn nhiều hạn chế. Chất lượng hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và những ngành nghề mới và đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội chiều 6/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Về lao động, việc làm trong những tháng đầu năm do những tác động rất sâu sắc của hậu quả đại dịch và tình hình thế giới có những khó khăn, còn lao động trong nước đang bị giảm giờ làm hoặc mất việc làm. Số người bị tác động cũng khá lớn, lên đến 500.000 người lao động.

Vấn đề bảo hiểm xã hội đang nổi lên một số hiện tượng bất cập, trong đó có những việc đã kéo dài, chưa có giải pháp để giải quyết căn cơ như vấn đề chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng, một số vi phạm, sai phạm trong việc trục lợi các chính sách liên quan đến bảo hiểm xã hội, vấn đề thu không đúng mục tiêu đối với một số chủ hộ kinh doanh…

Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị qua phiên chất vấn này, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng có liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tập trung vào một số vấn đề chính sau:

Thứ nhất, là tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chiến lược, quy hoạch, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc chiều 6/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Thứ hai, trong năm 2023 rà soát, thống kê đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định.

Chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hướng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế và biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách, ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước trong tổ chức thực hiện chính sách và chế độ về bảo hiểm xã hội.

Thứ tư, hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023 và xem xét thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024. 

Thứ năm, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Chủ tịch Quốc hội làm rõ, hoàn toàn có cơ sở để xử lý việc này mà không phải chờ việc bổ sung thêm hay là hoàn thiện theo quy định nào.

Thứ sáu, rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi cho người dân. Chủ động phòng ngừa thất nghiệp, xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp với quá trình phát triển kinh tế số.

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động và thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động, việc làm hiện đại, linh hoạt và chủ động. Sớm có giải pháp cụ thể, giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, hướng tới việc làm bền vững, việc làm xanh và thu nhập thỏa đáng…

Vũ Cảnh